Color grading (chỉnh màu) từ lâu đã đóng vai trò là người anh hùng thầm lặng của các nhà sáng tạo nội dung (content creator) và lĩnh vực thiết kế sáng tạo hình ảnh, với đa dạng thể loại từ tấm ảnh tĩnh cho tới những thước phim điện ảnh. Đây cũng là một khâu đặc biệt quan trọng mà bạn vẫn thường phải làm trong quá trình thiết kế sáng tạo nội dung, ví dụ có thể kể đến như việc điều chỉnh đường nét của vật bằng Photoshop, chỉnh ảnh trắng đen, chỉnh màu sắc nhân vật trong After Effects… đó đều là color grading.
Ngày nay, trên thị trường tồn tại rất nhiều những ứng dụng phần mềm giúp cho việc điều chỉnh màu sắc hình ảnh trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, color grading về bản chất không đơn thuần chỉ là tùy chỉnh màu sắc sao cho chuẩn mà còn là quá trình tư duy sáng tạo về mối quan hệ giữa màu sắc và nội dung truyền tải trong hình ảnh. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tác dụng của color grading và những hiệu ứng hình ảnh mang lại trong điện ảnh cũng như nhiếp ảnh. Sau đó, bạn đọc cũng sẽ được cung cấp một số các phần mềm color grading khuyên dùng cho quay phim và chụp ảnh (phần nhiều trong số đó là miễn phí).
Tác dụng của color grading
Trong quá trình sản xuất, color grading đóng một vai trò to lớn trong việc truyền tải cảm xúc, tính cách cũng như thể hiện thời gian của bối cảnh hình ảnh. Do đó, trước khi bắt tay vào thực hiện một dự án phim ảnh, việc cân nhắc lựa chọn ra một dải màu phù hợp là cực kì quan trọng đối với bất kì nhà làm phim nào. Pixar – một trong những bậc thầy về cốt truyện và nội dung luôn hoàn thành một “kịch bản” màu sắc sử dụng cho mỗi cảnh phim trước khi bắt tay vào thực hiện một dự án nào đó. Điều này giúp đảm bảo rằng màu sắc được sử dụng sẽ luôn tương hỗ cho mạch truyện, giúp cho người xem có thể tiếp thu câu truyện dễ dàng hơn.
Phân biệt giữa color correction và color grading
Mặc dù cùng sử dụng chung các loại thiết bị và phần mềm, song giữa color correction và color grading lại có sự khác biệt sâu sắc về bản chất. Color correction bao gồm các tác vụ liên quan đến việc chau chuốt, căn chỉnh màu sắc hình ảnh, ví dụ như việc xóa bỏ các vệt sạn ảnh, nhiễu ảnh, độ tương phản, hay những sai lệch của hình ảnh so với hình ảnh tiêu chuẩn của nó.
Color correction cũng có thể được sử dụng khi quay phim với nhiều máy quay khác nhau, giúp cho các cảnh phim trở nên ăn khớp, đồng nhất với nhau, tạo nên một thước phim hoàn chỉnh và mượt mà sau khi được chỉnh màu.
Mặt khác, color grading là công việc điều chỉnh màu sắc với dụng ý nhất định để khiến cho hình ảnh có một sắc thái riêng, truyền tải cảm xúc tới người xem. Lấy ví dụ, một cảnh phim được chỉnh màu đen trắng sẽ mang lại cảm giác hoài cổ, thể hiện thời gian diễn ra câu truyện, hay việc căn chỉnh góc máy và chiếu sáng khuôn mặt nhân vật chính để khiến cho họ trở nên nổi bật hơn trong cảnh phim.
Color grading trong điện ảnh
Trong điện ảnh, color grading là quá trình được thực hiện bởi một cá nhân hoặc một đội ngũ nhân viên với mục đích sử dụng màu sắc để khiến cho bộ phim trở nên chuyên nghiệp hơn, đồng thời tạo ra thế giới riêng của câu chuyện. Thông thường, trong khi quay phim, quyết định về màu sắc được chỉnh phần lớn sẽ được đưa ra từ phía đạo diễn hình ảnh và đạo diễn điện ảnh. Trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn nếu bộ phim được sản xuất theo một cách linh hoạt nhất có thể (ghi hình ở định dạng RAW hoặc LOG format), việc chỉnh màu có thể thay đổi, tùy biến trong suốt quá trình làm phim cho tới tận bản edit cuối cùng.
Trong khi làm phim, các họa sĩ số (CG artist) cũng nắm bắt rất rõ về luồng công việc (workflow) của color grading, do đó các định dạng file thường được sử dụng là EXRs để có thể lưu trữ khối lượng lớn và số lượng đa dạng các dữ liệu màu sắc được sử dụng. Hiện tại cũng đã có rất nhiều những phần mềm workflow được phát triển, tiêu biểu như ACES (Hệ thống mã hóa màu của viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh) để đảm bảo độ chính xác màu sắc trên nhiều định dạng đầu vào nhất có thể, với hy vọng có thể giúp cho người dùng bớt phải đau đầu về color correction để có thể chú tâm hoàn toàn vào color grading.
Về bản chất, color grading được sử dụng với mục đích thay đổi tông hình ảnh của bộ phim để tạo nên một chủ đề và cảm xúc nhất định. Do đó, quá trình thực hiện color grading trong những bộ phim điện ảnh thường được để dành sau cùng. Công việc này sẽ được thực hiện bởi đạo diễn chính cùng với kỹ thuật viên color grading trong một căn phòng tối để theo dõi và bàn bạc về những thay đổi cần được áp dụng để làm cho bộ phim trở nên sinh động, có hồn hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình chiếu phim tại rạp phim hoặc trên TV, color grading cũng có thể tạo ra một số tác dụng không mong muốn, một phần do các rạp chiếu phim và các sản phẩm TV hiện nay thường sử dụng định dạng HDR. Tập phim “The long night” của serie phim nổi tiếng Game of Thrones là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này, khi các nhà làm phim đã quá lạm dụng việc chỉnh màu để rồi khiến cho hầu hết các cảnh phim, đặc biệt là cảnh hành động hỗn loạn trong đêm tối trở nên tăm tối và khó nhìn trên màn hình TV của khán giả tại nhà.
Color grading trong nhiếp ảnh
Bên cạnh điện ảnh, color grading cũng có thể tạo nên những tác động lớn trong nhiếp ảnh. Lấy ví dụ, một bát salad được chỉnh tông màu xanh lá sẽ khiến cho tổng thể tấm hình trở nên ngon mắt hơn để bạn có thể “khoe” với bạn bè trên Instagram, hay tông màu xanh dương sẽ khiến cho tấm ảnh mang một vẻ hiện đại hơn, công nghiệp hơn. Các bộ lọc (filter) trên Instagram hay trên bất kì một ứng dụng mạng xã hội nào chính là hình thái cơ bản nhất của color grading, bởi việc sử dụng filter cho tấm hình của mình cũng chính là truyền tải mong muốn và dụng ý của bản thân tới người xem bức ảnh.
Trong nhiếp ảnh cũng tồn tại một lựa chọn color grading thú vị, đó chính là việc chụp ảnh đen trắng. Sử dụng hai tông màu cơ bản này trong thời đại kĩ thuật số hiện nay khiến cho ảnh đen trắng trở thành một lựa chọn mang tính thẩm mỹ và nghệ thuật thuần túy. Điều này khiến cho ảnh đen trắng thuộc vào phạm trù của color grading, bởi lúc này các yếu tố bố cục và kết cấu của bức ảnh đã trở nên quan trọng hơn nhiều.
Máy ảnh Fuji được người dùng ưa chuộng một phần vì phong cách thiết kế công nghiệp hoài cổ, phần lớn bởi máy ảnh Fuji thường được tích hợp sẵn nhiều loại bộ lọc bên trong máy, giúp cho người dùng thuận tiện hơn trong công việc color grade.
Một số phần mềm tốt nhất cho color grading
Đối với dựng phim, phần mềm tốt nhất dành cho công việc color grading là Blackmagic Design’s Davinci Resolve. Đây là một phần mềm cực kì đáng để trải nghiệm với những tính năng được hoàn thiện như bảng màu cực kì đầy đủ và chuẩn xác, các hiệu ứng hình ảnh được cập nhật liên tục cùng với các tính năng chỉnh sửa hết sức đa dạng – tất cả những gì bạn cần ở một công cụ thiết kế sáng tạo mạnh mẽ. Hơn nữa, điều tuyệt vời hơn cả ở ứng dụng này chính là việc bạn có thể cài đặt nó miễn phí trên nền tảng Mac, Windows và Linux.
Đối với nhiếp ảnh, trên thị trường hiện cũng đang có rất nhiều những công cụ cho bạn lựa chọn. Như đã nói tới ở trên, bạn có thể sử dụng những phần mềm chỉnh sửa tích hợp sẵn trong những ứng dụng mạng xã hội như Instagram. Bên cạnh đó, Snapseed cũng là một ứng dụng color grading đáng thử chạy trên cả hai nền tảng Android và iOS. Đối với PC, Capture One là ứng dụng chỉnh màu chuyên nghiệp tuyệt vời với những tính năng tương đồng Davinci Resolve.
NGUỒN:CREATIVEBLOQ/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM