Ngày nay, thủy tinh hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Các sản phẩm từ thủy tinh được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình bởi tính thẩm mỹ cùng như tính năng vượt trội của nó. Vậy nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi về nguồn gốc của quá trình phát triển của nó? Hãy cùng tìm lời giải thông qua những chia sẻ sau!
Stock Photos – Aleksandr Simonov/Shutterstock
Hàng ngàn năm trước, các nghệ nhân đã khám phá ra vô vàn ứng dụng của thủy tinh.Trải qua hàng ngàn năm từ thời cổ đại, chế tác thủy tinh đã trở thành một trong những bộ môn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Với tính chất linh hoạt, thủy tinh giữ một vai trò tối quan trọng trong lịch sử nghệ thuật.
Thủy tinh được làm ra như thế nào?
Thủy tinh là một chất rắn vô định hình đồng nhất, có gốc silicát (có trong dạng đa tinh thể như cát và cũng là thành phần hóa học của thạch anh, thường được pha trộn thêm các tạp chất để có tính chất theo ý muốn như: sô đa (cacbonat natri) hay bồ tạt (cacbonat kali). Tuy nhiên, sô đa làm cho thủy tinh bị hòa tan trong nước – để khắc phục vấn đề này, người ta cho thêm vôi sống (ôxít canxi) là hợp chất bổ sung để tạo độ rắn cho thủy tinh. Khi được đun nóng ở nhiệt độ cao (khoảng 3.200 độ F) và được làm nguội nhanh chóng, hợp chất này trở thành thủy tinh nóng chảy.
Stock Photos from Mirelle/Shutterstock
Thủy tinh nóng chảy được tạo hình bằng nhiều cách: Core forming (các dải thủy tinh được quấn quanh một chiếc lõi có khả năng chịu nhiệt); Rót vào khuôn (thủy tinh nóng chảy được rót vào khuôn và để nguội; Thổi bằng ống rỗng (thủy tinh nóng chảy được dồn vào một đầu của ống rỗng, sau đó vừa xoay ống vừa thổi hơi vào ống. Thủy tinh được tạo hình bởi không khí thổi vào trong ống, trọng lực kéo thủy tinh nóng chảy ở đầu ống xuống và giúp tạo hình); sử dụng bình chứa thiếc tan chảy (thủy tinh nóng chảy được rót vào bình chứa thiếc tan chảy để tạo thành giá đỡ và thổi thủy tinh bằng khí nitơ nén để tạo hình và đánh bóng. Thủy tinh được chế tạo theo phương pháp này gọi là thủy tinh đánh bóng).
Lịch sử chế tác thủy tinh
NHỮNG CHUỖI HẠT THỜI CỔ ĐẠI
Ảnh: The Cleveland Museum of Art
Thủy tinh xuất hiện lần đầu trong những chuỗi hạt từ thời cổ đại. Vào thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu chế tác những chuỗi hạt màu xanh cô ban, sử dụng phương thức core forming.
Ngoài Ai Cập, những chuỗi hạt này còn xuất hiện trong những nền văn hóa nổi tiếng về sau đó như tại Iran vào 2000 năm sau hay tại Trung Quốc vào thế kỷ I TCN.
ĐỒ KHẢM MESOPOTAMIAN
Chi tiết tác phẩm “The Standard of Ur,” 2600-2400 BCE (Ảnh: Wikimedia Commons)
Ngay sau sự lan tỏa của các chuỗi hạt thủy tinh, các nghệ nhân tại Mesopotamia bắt tay chế tác các tác phẩm khảm chứa chất liệu tessera (một vật liệu được dùng trong chế tác thủy tinh, có trong đá hoặc các hợp chất hữu cơ khác). Các tác phẩm khảm này thường được tìm thấy tại các ngôi chùa. Có được một tác phẩm khảm tinh xảo như vậy là nhờ vào bàn tay khéo léo sắp xếp các mảnh ngà, vỏ sò, hay những mẩu đá trơn của các nghệ nhân cổ đại.
Mặc dù không hoàn toàn được tạo nên từ thủy tinh, những bức khảm này đã đặt nền móng cho sự ra đời của nghệ thuật khảm Hellenistic hàng ngàn năm sau.
BÁT ĐỰNG TINH DẦU THƠM Ở THỜI KỲ HY LẠP HÓA
Chiếc hũ khảm đựng tinh dầu thơm (Ảnh: The Metropolitan Museum of Art)
Thời kỳ Hy Lạp hóa là một giai đoạn trong lịch sử Hy Lạp cổ đại và lịch sử Địa Trung Hải sau cái chết của Alexandros Đại đế vào năm 323 TCN và sự xuất hiện của đế quốc La Mã. Thời kỳ Hy Lạp hóa kéo dài từ năm 323 TCN – năm 12 CN. Các nghệ nhân thời kỳ này thường chế tác những đồ vật khảm có chi tiết phức tạp, tinh xảo, với chủ đề là những câu chuyện thần thoại cổ điển. Ngoài ra họ còn hoàn thiện kỹ thuật core forming, áp dụng kỹ thuật này để chế tạo hũ đựng dầu thơm, có màu khá đục (chưa trong suốt được như thủy tinh hiện tại).
Được truyền cảm hứng từ lối tiếp cận này, các nghệ nhân chế tác thủy tinh đương đại sản xuất sản phẩm mang tên millefiori (trong tiếng Ý mille là “hàng ngàn” còn fiori là “hoa”). Millefiori là kỹ thuật đúc thủy tinh để tạo ra những hoa văn hay khối màu trang trí cho đồ vật. Từ cuối những năm 1980, kỹ thuật millefiori cũng đã được sử dụng trên đất sét polyme và các chất liệu khác.
SỰ RA ĐỜI CỦA KỸ THUẬT THỔI THỦY TINH
Ảnh: Charos Pix CC BY-NC-SA 2.0
Đến thế kỷ thứ nhất TCN, kỹ thuật thổi thủy tinh đã ra đời, cùng thời điểm Đế chế La Mã được thành lập. Kỹ thuật thổi thủy tinh được sáng tạo bởi người Siri, được áp dụng trong sản xuất những hũ, lọ phục vụ mục đích thương mại. Sản phẩm này được ưa chuộng rộng rãi không chỉ tại La Mã mà còn tại nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Trong thiên niên kỷ tiếp theo, việc chế tạo thủy tinh được thực hiện rộng rãi hơn nhờ một số cải tiến trong phương pháp chế tạo thủy tinh cơ bản. Tiếp theo sau phát minh ống thổi là sự xuất hiện của khuôn hai nửa, cho phép người thợ sản xuất ra hàng loạt đồ vật thủy tinh giống hệt nhau. Hai phát minh này đã làm cho các sản phẩm thủy tinh vừa với túi tiền của những người dân thường hơn.
SỰ RA ĐỜI CỦA THỦY TINH MÀU
Jabir ibn Hayyan Geber, nhà hóa học người Ả rập (Ảnh: Wellcome Collection CC BY 4.0)
Thủy tinh màu được ra đời vào thế kỷ 8 tại khu vực Trung Đông. Trong cuốn Kitab al-Durra al-Maknuna (“Cuốn sách về những viên ngọc trai huyền bí”), bản thảo được viết bằng tiếng Ả-rập bởi nhà hóa học Ba Tư-Jābir ibn Ḥayyān, hàng loạt công thức chế tạo thủy tinh có màu (từ Oxit coban) và đá quý nhân tạo đã được ghi chép lại.
SỰ RA ĐỜI CỦA CỬA SỔ KÍNH MÀU TRUNG CỔ
Nhà thờ Công giáo Sainte-Chapelle tại thành phố Paris, Pháp (Ảnh: Stock Photos – javarman/Shutterstock)
Tới giai đoạn Trung cổ, kính màu xuất hiện dày đặc trên khắp châu Âu, trang trí cho những khung cửa sổ tại các nhà thờ. Trước thế kỷ 12, những chiếc cửa sổ còn khá bé, có thiết kế đơn giản, được viền quanh bởi những khung kim loại dày theo lối kiến trúc Roman phổ biến.
Đến thế kỷ 12, kiến trúc Gô-tích xuất hiện, thay thế cho lối kiến trúc Roman. Ở giai đoạn này, các cửa sổ được tăng về kích cỡ, trở nên mỏng hơn nhờ vào các mạng gân, chất liệu chống đỡ hội tụ cả hai ưu điểm về sức bền và tính thẩm mỹ.
ĐÈN CHÙM VENETIAN
Cung điện Ca’ Rezzonico, Venice – Đèn chùm thủy tinh Murano gồm 2 tầng với 20 bóng đèn ở mỗi tầng, được trang trí bởi những bông hoa thủy tinh có màu sắc
rực rỡ, được thiết kế vào thế kỷ 18 tại studio của nhà thiết kế Giuseppe Briati tại Murano (Ảnh:Wikimedia Commons CC BY-SA 4.0)
Đến thời kỳ Phục hưng, cửa sổ kính màu vẫn rất phổ biến trên khắp châu Âu, trong khi đó, tại Venice, nghệ thuật chế tác thủy tinh như được tái sinh. Tại đây, bậc thầy về chế tác thủy tinh Giuseppe Briati ra mắt mẫu thiết kế đèn chùm ciocche tinh xảo với những chi tiết hoa văn và lá cây được cách điệu hóa bằng những viên pha lê Vơ-ni-đơ, thủy tinh, và lá vàng.
Những chiếc đèn chùm ciocche là một ví dụ tiêu biểu cho Thủy tinh Murano lừng danh tại Ý, vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp cách tân, thách thức thời gian.
ĐÈN NGỦ TIFFANY
(Ảnh: Can Pac Swire CC BY-NC 2.0)
Những cây đèn Tiffany thường được gọi bằng những cái tên khá đặc biệt như cây đèn quý tộc, cây đèn ngủ đắt đỏ nhất thế giới hay cây đèn trang trí cầu kỳ nhất … Mỗi mẫu đèn ngủ Tiffany đều được chế tác thủ công, bởi vậy, mỗi chiếc đều là độc nhất vô nhị. Cũng chính bởi tính độc đáo và duy nhất, đèn Tiffany nhìn chung có giá rất cao và để có thể sở hữu một cây đèn thuộc thương hiệu này quả thật không hề dễ dàng, ngay cả với những người có sẵn tiền. Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, mỗi dưới đèn được ghép từ hàng trăm đến hàng ngàn mảnh kính màu, bởi vậy, làm ra được một chiếc đèn ngủ Tiffany là một quá trình vô cùng vất vả, yêu cầu sự tập trung, kiên nhẫn, cùng trình độ điêu luyện.
Năm 1885, nghệ sĩ kiêm nhà thiết kế và doanh nhân Louis Comfort Tiffany thành lập công ty Tiffany Glass and Decorating Company tại thành phố New York, Mỹ. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật chế tác thủy tinh ở các giai đoạn trước (đặc biệt là giai đoạn La Mã cổ đại, ông thiết kế những chiếc đèn ngủ rực rỡ sắc màu mà không hề sử dụng màu nhuộm hay tráng men.
Để làm được điều này, ông đã có hai sáng tạo quan trọng, đó là: Kính Favrile và cuộn băng đồng. Tiffany lần đầu ra mắt kính favrile tại Hội chợ Thế giới 1893, một sản phẩm được ông liên tưởng tới “đôi cánh của loài bươm bướm, cần cổ của loài chim bồ câu hay chim công, đôi cánh của những con bọ cánh cứng.” Khác với các loại kính ngũ sắc được nhuộm màu khác, màu sắc của kính favrile được tạo nên bằng phương pháp trộn lẫn thủy tinh có màu sắc khác nhau khi còn đang nóng.
Tương tự như vậy, trước khi đèn ngủ Tiffany được ra đời, các mảnh kính màu được gắn lại bằng những mối nối kim loại dày và thô, tuy rằng vẫn đảm bảo được độ bền nhưng lại mất điểm về tính thẩm mỹ. Nhận thức được điều này, Tiffany sáng tạo dải băng kim loại mỏng và linh hoạt, vừa có thể gắn chắc chắc mảnh kính màu lại với nhau, vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ.
NGHỆ THUẬT CHẾ TÁC THỦY TINH ĐƯƠNG ĐẠI
Ảnh: Stock Photos – ApinBen4289/Shutterstock
Ngày nay, các nghệ nhân chế tác thủy tinh đương đại vẫn duy trì, gìn giữ nghệ thuật chế tác thủy tinh truyền thống. Rất nhiều trong số đó đã phát triển và sáng tạo trên cái nền truyền thống để cho ra đời những tác phẩm điêu khắc đầy mê hoặc và quyến rũ trên chất liệu thủy tinh. Một số khác lại chứng minh giá trị bất hủ của nghệ thuật khảm bằng chất liệu thủy tinh, mà nay được áp dụng trên mọi lĩnh vực, từ việc khắc phục những vết nứt trên đường cho đến lĩnh vực kỹ thuật số. Một số khác chỉ đơn giản là đưa ra những cải tiến, hoàn thiện thêm kỹ thuật chế tác thủy tinh.
Có thể khẳng định, nghệ thuật chế tác thủy tinh đã được nâng lên một tầm cao mới.
NGUỒN:MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM