Chúc mừngTin tức

Tầm quan trọng của nữ giới trong hội họa Siêu thực vốn được thống trị bởi nam giới

By 22 Tháng Mười Hai, 2020 No Comments

Nhắc tới chủ nghĩa siêu thực là nhắc tới những gương mặt ấn tượng như Giorgio de Chirico, Salvador Dali, Rene Magritte. Bên cạnh đó còn có rất nhiều gương mặt mặc dù không quá nổi tiếng nhưng cũng có đóng góp lớn cho chủ nghĩa siêu thực.

hoasinu-1

Ảnh: The Artist

Khi nhắc tới “chủ nghĩa siêu thực”, cái tên đầu tiên bạn nghĩ tới là ai?

Có lẽ là nam họa sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dali – một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với phong cách siêu thực. Cũng có thể là Rene Magritte, nam họa sĩ người Bỉ nổi tiếng với nhiều bức tranh dí dỏm và hài hước. Phải khẳng định những gương mặt được biết đến rộng rãi trên đều là những hạt nhân có cống hiến lớn giúp nâng tầm chủ nghĩa siêu thực lên một tầm cao mới, tuy nhiên, tạo nên sự thành công của chủ nghĩa siêu thực còn là những gương mặt họa sĩ nữ tài năng nhưng khiêm tốn và âm thầm.

Sau đây là 10 nữ họa sĩ siêu thực ấn tượng, những người đã tạo được ảnh hưởng đáng kể trong thế giới nghệ thuật nói chung và hội họa siêu thực nói riêng.

Frida Kahlo

Frida Kahlo (1907-1954) thường được xếp vào nhóm họa sĩ theo chủ nghĩa siêu thực, mặc dù bản thân bà cho rằng tranh của bà thiên về “thực tế nhiều hơn là ảo mộng”. Là một họa sĩ tài năng, bà được biết đến rộng rãi nhất qua những bức chân dung tự họa theo phong cách siêu thực. Giống như nhiều nghệ sĩ khác, bà chỉ được đánh giá cao sau khi qua đời và nổi tiếng hơn vào thập niên 80.

Bức tranh Cái chết của nàng Dorothy Hale (tiếng Anh: The suicide of Dorothy Hale) được thực hiện bởi Frida Kahlo vào năm 1938. Nó đặc biệt mạnh mẽ, mặc dù thực tế là không có nhiều chi tiết xuất hiện trong tranh. Bức tranh mô tả cảnh nữ diễn viên người Mỹ đầy tham vọng Dorothy Hale nhảy lầu tự tử. Nhiều người cho rằng hình ảnh tòa nhà cao tầng và người phụ nữ rơi xuống được bao phủ bởi những đám mây tượng trưng cho đỉnh cao mà cô ấy đã đạt được và sự sụp đổ của cô ấy từ đó (theo một cách ẩn dụ, không chỉ theo nghĩa đen). Ở phía dưới là thi thể của nữ diễn viên, cũng chính là chi tiết hiện thực len lỏi bức tranh. Bức tranh có sự kết hợp giữa nghĩa đen và ẩn dụ, hiện thực và siêu thực, cho thấy quá trình tự tử của nàng Hale. Frida Kahlo đã hoàn thành xuất sắc mặc dù đó không chính xác là công việc mà bà được giao phó.

Tác phẩm ‘Cái chết của nàng Dorothy Hale’ (1938). Ảnh: The Artist

Ngay sau khi ra mắt tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi, tuy vậy, nó vẫn là một trong những bức tranh có tầm ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ nhất của hội họa thế kỷ 20. Biểu tượng, sự sụp đổ, cảm giác vô vọng và kết cục của người phụ nữ trẻ đều đã phô diễn kỹ năng tuyệt vời mà Frida Kahlo sở hữu.

Ngoài Cái chết của nàng Dorothy Hale, một số tác phẩm nổi tiếng khác của bà phải kể đến là Congress of People of Peace, Flower of Life và Girl with Death Mask, v.v.

Hiroko Sakai

Hiroko Sakai là một trong những đại diện hiện đại của phong trào này. Cô sinh ra ở Nhật Bản nhưng đã sống ở Mỹ từ năm 1999. Hội họa của cô chứa đầy đam mê và đã gây được cảm xúc mãnh liệt trong lòng người xem trong những năm qua. Với Sakai, trí tưởng tượng là một công cụ mạnh mẽ, nó cho tiếp lửa nghệ thuật, giúp nữ họa sĩ tạo ra những tác phẩm đặc sắc.

Hiroko Sakai bắt đầu theo đuổi hội họa chuyên nghiệp khoảng đầu những năm 1990 với bộ môn nghệ thuật đồ họa tại Fukuoka, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp đại học Seinan Gakuin với tấm bằng cử nhân kiến trúc Pháp và nhận được tấm bằng cử nhân thiết kế của trường đại học Nihon, cô thành lập xưởng Atelier Yume-Tsumugi Ltd và vận hành thành công trong 5 năm. Sakai nhận nhiều dự án với những yêu cầu đa dạng thay vì chỉ tập trung vào một phong cách duy nhất. Rất nhiều tác phẩm của cô được trưng bày tại các sảnh bệnh viện, văn phòng, và lối vào các tòa nhà thương mại tại Nhật Bản.

Tác phẩm ‘Boukyo-Nostalgia’. Ảnh: hirokosakaifineart

Năm 1998, cô mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Hoa Kỳ. Tại đây, cô theo đuổi dòng tranh sơn dầu, một dòng tranh mà cô đã có hứng thú từ khi còn ở Nhật Bản nhưng chưa có cơ hội khám phá bởi đặc tính khô lâu của sơn dầu không thích hợp cho các đơn đặt hàng thương mại ngắn hạn của cô khi đó.

Dorothea Tanning

Dorothea Tanning (1910-2012) là một họa sĩ người Mỹ, người đã mang những cơn ác mộng vào trong tranh.

Chỉ với ba tuần theo học tại Học viện Mỹ thuật Chicago năm 1930, có thể nói Tanning không phải một họa sĩ được trải qua trường lớp bài bản. Những hình ảnh siêu thực trong các tác phẩm của bà từ thập niên 40 và mối quan hệ thân thiết của bà với các họa sĩ và nhà văn theo chủ nghĩa Siêu thực vô hình chung đã khiến nhiều người cho rằng bà đi theo trường phái nghệ thuật này. Vậy nhưng, trên thực tế, mặc dù chịu nhiều tác động từ hội họa siêu thực, Tanning đã xây dựng cho mình một phong cách riêng xuyên suốt sự nghiệp kéo dài tới 60 năm. Những sản phẩm đầu tay của bà ví dụ như Birthday và Eine kleine Nachtmusik đều là những tác phẩm tượng trưng công phu mang hơi hướng ảo mộng.

Tác phẩm ‘Birthday’ (1942). Ảnh: AnOther Magazine

Tanning đọc nhiều tiểu thuyết Gothic và Lãng mạn, các câu chuyện kỳ ảo trong đó chính là chất liệu sáng tác nghệ thuật cho bà trong nhiều năm về sau. Cuối thập niên 40, Tanning tiếp tục theo đuổi các chủ đề hư cấu kết hợp chủ đề tình ái với các chi tiết khó hiểu trên nền không gian hoang tàn. Trong suốt giai đoạn này, bà xây dựng mối quan hệ thân thiết với Marcel Duchamp (nam họa sĩ Pháp-Mỹ theo trường phái dada, lập thể, khái niệm), Joseph Cornell (họa sĩ kiêm nhà sản xuất phim người Mỹ-người chịu tác động lớn từ chủ nghĩa siêu thực), và John Cage (nhà soạn nhạc, họa sĩ, và triết học gia người Mỹ). Ở thập niên tiếp theo, hội họa của Tanning mang tính chất ẩn dụ nhiều hơn. Bà cũng dần thoát ly khỏi trường phái siêu thực để xây dựng một phong cách riêng.

Hầu hết các tác phẩm về sau của nữ họa sĩ mang màu sắc trừu tượng, nhưng luôn gợi dáng hình phụ nữ. Nghệ thuật của bà đẹp nhưng thường tạo cảm xúc mãnh liệt, gây cảm giác không mấy thoải mái cho người xem. Một số tác phẩm nổi tiếng của bà bao gồm Insomnias, Some Roses, and Phantoms, Eine Kleine Nachtmusik, v.v.

Tác phẩm ‘Insomnies’ (1957).Ảnh: Moderna Moseet

Laurie Lipton

Laurie Lipton sinh ra ở New York và đã vẽ từ năm 4 tuổi. Bà là thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Đại học Carnegie-Mellon với tấm bằng Mỹ thuật. Laurie đã sống ở Hà Lan, Bỉ, Đức và Pháp, London và hiện đang sống ở LA.

Lipton có một phong cách khá độc đáo. Tất cả các tác phẩm của bà đều rất chi tiết. Hội họa của Lipton là sự kết hợp giữa chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện thực.

 

Ảnh: Saatchi Art

Lipton muốn học hội họa Flemish của thế kỷ 17, rất tiếc trường học lại chỉ dạy nghệ thuật trừu tượng và khái niệm. Bởi vậy là đã cúp học và ngồi hàng giờ trong thư viện sao chép các tác phẩm của Durer, Memling và Van Eyck. Nữ họa sĩ đã cố gắng học vẽ bằng keo trứng nhưng không thành công. Cuối cùng, bà đã phát triển một cách vẽ độc đáo bắt chước kỹ thuật này bằng cách xây dựng hàng ngàn đường kẻ nhỏ để có được tông màu tương tự. Đó là một cách vẽ điên rồ và tốn rất nhiều thời gian, nhưng có thể tạo ra hiệu ứng phát sáng mà các họa sĩ Flemish đã đạt được.

Một số tác phẩm nổi bật của bà bao gồm: Facelift, The Dead Factory, ON, Mirror Mirror, Dead and the Maiden, Lady Death, Prime Time, v.v.

 

Tác phẩm ‘Facelift’ (2005). Ảnh: A Course in Dying

Carrie Ann Baade

Nữ họa sĩ người Mỹ Carrie Ann Baade là một người theo chủ nghĩa siêu thực thú vị. Hội họa của cô chịu ảnh hưởng lớn bởi thuyết tâm linh, văn học và lịch sử nghệ thuật. Tranh của Baade phong phú và nhiều màu sắc, luôn mang một thông điệp cảm xúc mạnh mẽ.

Người phụ trách nghệ thuật đương đại Margaret Winslow mô tả các tác phẩm của Baade như “những câu chuyện ngụ ngôn tự truyện kết hợp các mảnh vỡ của các bức tranh tôn giáo thời Phục hưng và Baroque, tạo ra những phong cảnh siêu thực nơi sinh sống của hệ thực vật kỳ lạ, động vật và số liệu.”

Ảnh: MileHiCon 49 – Sched

Bối cảnh và các khối xây dựng bố cục trong tác phẩm của cô là những mảnh ghép của các kiệt tác lịch sử, được Baade diễn giải lại bằng cách sử dụng quan điểm tự truyện và nữ quyền ban đầu của cô. Baade hiện đang sống ở Tallahassee , Florida , nơi cô là giáo sư Khoa Nghệ thuật tại Đại học Bang Florida.

Một số tác phẩm ấn tượng của Baade bao gồm: Through the Parallax, Tales of Passion and Woe, Intemperance, và The Secret Lives of Portraits, v.v.

Tác phẩm ‘Piece and Pieces’. Ảnh: FSU Art – Florida State University

Shahla Rosa

Shahla Rosa là một trong những họa sĩ siêu thực hiện đại được kính trọng nhất, được các nhà phê bình đánh giá là một trong những nữ họa sĩ siêu thực tài năng và ấn tượng nhất.

Bản thân bà cũng tuyên bố, “Mỗi lần tôi bắt đầu một bức tranh mới, nó giống như nổi lên trong nghệ thuật siêu thực với tư cách là một khán giả khi phong trào mới ra đời. Trong các bức tranh của tôi, mỗi nhân vật là hiện thể lớn nhất hoặc ánh sáng lớn nhất vào giấc mơ của tôi, hoặc là tình yêu như một phương tiện sáng tạo và một nguồn mặc khải.” Tranh của bà luôn mãnh liệt và giàu chi tiết.

Ảnh: Pinterest

Leonor Fini

Leonor Fini (1907-1996) là một họa sĩ, nhà thiết kế, họa sĩ minh họa và tác giả người Argentina nổi tiếng với những tranh miêu tả những người phụ nữ quyền lực.

Fini được sinh ra ở Buenos Aires, Argentina, nhưng lại lớn lên ở Trieste, Ý, quê hương của mẹ bà. Tuổi thơ của bà đã phải chứng kiến hàng loạt trận chiến dành quyền chăm sóc con cái giữa cha mẹ. Năm 17 tuổi, Fini chuyển tới Milan và sau đó tới thủ đô Paris, Pháp. Ở đó, bà làm quen với Carlo Carrà và Giorgio de Chirico, người đã truyền cảm hứng hội họa cho Fini. Bà cũng biết đến Paul Éluard, Max Ernst, Georges Bataille, Henri Cartier-Bresson, Picasso, André Pieyre de Mandiargues và Salvador Dalí.

Ảnh: Vulture

Fini không được đào tạo nghệ thuật chính thức, nhưng bà đã quen thuộc với phong cách Phục hưng do sự giáo dục ở Ý. Triển lãm lớn đầu tiên của bà là vào năm 1936 tại New York tại Phòng trưng bày Julian Levy. Fini được coi là một phần của thế hệ nghệ sĩ Paris thời tiền chiến. Sự thành công của bà vượt xa hầu hết các đồng nghiệp đương thời. Các nghệ sĩ siêu thực ở Pháp trở nên rất thích thú và đón nhận Fini như một gương mặt quan trọng của phong trào. Bà được nhắc đến trong hầu hết các tác phẩm toàn diện về chủ nghĩa siêu thực, mặc dù một số người bỏ qua bà.

Leonor Fini được coi là một trong những nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất giữa thế kỷ 20. Một trong những chủ đề chính được Fini khai thác là mối quan hệ phức tạp giữa hai giới, chủ yếu là sự tương tác giữa nữ giới thống trị và nam giới bị thống trị. Cũng chính bởi vậy, nữ họa sĩ luôn bị bao vây bởi tranh cãi vì nghệ thuật của mình. Một trong những tác tiêu biểu của Fini theo chủ đề nữ quyền mang tên La Bout du Monde. Tác phẩm khắc họa hình ảnh người phụ nữ chìm trong nước, bị bao quanh bởi những hộp sọ người và động vật.

Ảnh: Obelisk Art History

Méret Oppenheim

Meret Elisabeth Oppenheim (1913-1985) là một họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc và nhiếp ảnh gia siêu thực người Thụy Sĩ gốc Đức.

Năm 1932, Oppenheim chuyển đến Paris, trung tâm của phong trào siêu thực, và nhanh chóng tham gia tích cực vào các cuộc họp và triển lãm của họ. Đến năm 1936, bà có triển lãm cá nhân đầu tiên. Các nhà phê bình và người hâm mộ thường gọi nhầm bà là “Ngài Oppenheim.”

Ảnh: Smarthistory

Tương tự Leonor Fini, Méret Oppenheim (1913-1985) luôn bị bủa vây bởi các cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề được khai thác trong các tác phẩm của bà. Người nghệ sĩ sở hữu một sự dí dỏm và nhận thức sâu sắc về việc vị trí của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Với sự hài hước, khêu gợi và bóng tối đầy đe dọa, tác phẩm của bà phản ánh những khám phá quan trọng về tính dục, danh tính và sự bóc lột lên người phụ nữ. Bà đã cố gắng truyền tải những thông điệp thú vị và nguyên bản nhưng rõ ràng bằng cách sử dụng những đồ vật hàng ngày trong nghệ thuật của mình. Một số tác phẩm hàng đầu của bà bao gồm Bữa sáng trên lông thú, Cô y tá của tôi và Chiếc tai của Giacometti, v.v.

Ngoài lĩnh vực hội họa, Oppenheim cũng làm người mẫu cho nhiếp ảnh gia Man Ray, đáng chú ý nhất là một bộ ảnh bức ảnh khỏa thân bà thực hiện trên một tờ báo in.

Kay Sage (1898-1963)

Kay Sage là một nghệ sĩ và nhà thơ người Mỹ theo trường phái siêu thực. Bà hoạt động trong khoảng thời gian từ 1936 đến 1963, là thành viên của Chủ nghĩa siêu thực trong Thời kỳ Hoàng kim và Hậu chiến.

Mối nhân duyên với chủ nghĩa siêu thực đến với Kay Sage trong một lần tham dự Triển lãm Quốc tế Siêu thực tại Galerie Beaux-Arts. Bà đặc biệt ấn tượng với các tác phẩm của họa sĩ người Ý Giorgio de Chirico. Việc tiếp xúc với Chủ nghĩa siêu thực đã truyền cảm hứng cho Sage bắt đầu vẽ tranh một cách nghiêm túc. Bà đã trưng bày tác phẩm của mình trong triển lãm Salon des Surindépendants tại Porte de Versailles vào mùa thu năm 1938. Những bức tranh bán ký hiệu này, bao gồm Afterwards và The World Is Blue, mượn họa tiết và phong cách từ de Chirico và chủ nghĩa Siêu thực. Nhà sử học nghệ thuật Whitney Chadwick nói rằng các bức tranh của Sage “được thấm nhuần bởi một luồng khí của hình thức thanh khiết và cảm giác bất động và sự diệt vong sắp xảy ra ở nơi nào khác trong Chủ nghĩa siêu thực.”

Tác phẩm ‘I saw three cities’ (1944). Ảnh: Princeton University Art Museum

Tranh của bà thường nói về sự cô đơn và bất mãn với xã hội và cách thế giới đang vận động. Việc loại trừ con người khỏi tác phẩm nghệ thuật, cũng như màu sắc dịu nhẹ nói lên nhiều điều về sự cô lập của bà. Một số tác phẩm hàng đầu của Sage bao gồm: My Room Has Two Doors, On the Contrary, I saw three cities, v.v.

Sylvia Fein

Sylvia Fein (1919) hay còn gọi là Scheuber là một họa sĩ theo trường phái siêu thực người Mỹ. Lấy cảm hứng từ quattrocentpo, Fein sử dụng chất liệu men trứng do bà tự tay chế tác trong các tác phẩm của mình. Fein theo học hội họa tại Đại học Wisconsin – Madison , nơi bà đã trở thành thành viên của nhóm các họa sĩ hiện thực huyền diệu, bao gồm Gertrude Abercrombie, Marshall Glasier, John Wilde, Dudley Huppler và Karl Priebe. Một tờ báo ca ngợi bà là “Nữ họa sĩ hàng đầu của Wisconsin.” Năm 1940, Fein sống một thời gian ở Mexico, sau đó ở Vùng Vịnh San Francisco của California, cuối cùng định cư tại thị trấn Martinez. Sinh nhật lần thứ 100 của bà được đánh dấu bằng một cuộc triển lãm tại trường cũ của cô, Đại học California ở Berkeley.

Một số tác phẩm nổi tiếng nhất của Sylvia Fein bao gồm: The Lady with White Knight và The Lady in the Cage, v.v.

Tác phẩm ‘The Tea Party’ (1943). Ảnh: collections.artsmia.org

Có thể nói, trí tưởng tượng là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật siêu thực. Muốn theo đuổi phong cách nghệ thuật này, người họa sĩ cần học cách buông bỏ những suy nghĩ lý trí và đơn giản là để trí tưởng tượng bay bổng để có thể tạo ra những phẩm nghệ thuật kỳ ảo, ấn tượng.

Tất cả những phụ nữ trên đã nỗ lực tạo dựng sự nghiệp và tạo dấu ấn trong một lĩnh vực được thống trị bởi phần lớn là nam giới. Tài năng của họ là không thể phủ nhận, và sức mạnh của trí tưởng tượng là hiển nhiên ngay từ cái nhìn đầu tiên.

 

NGUỒN: THE ARTIST/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM