Alfons Maria Mucha (24.7.1860 – 14.7.1939, Alphonse Mucha) là một họa sĩ, một nhà thiết kế đồ họa của Cộng hòa Séc, sống ở Paris vào thời kỳ Art Nouveau, nổi tiếng với các áp phích sân khấu được cách điệu và trang trí đặc biệt.
Vào cuối thế kỷ 19, một trào lưu nghệ thuật mới càn quét châu Âu. Cảm hứng chủ đạo của loại hình nghệ thuật này chính là thiên nhiên và họa sĩ trên khắp châu lục đã bị cuốn hút bởi trào lưu nghệ thuật mới mẻ và sáng tạo này. Nó xuất hiện trong nhiều phong trào nghệ thuật trên khắp châu Âu như phong trào ly khai tại Áo, phong trào hiện đại Catalan tại Tây Ban Nha, nhưng nổi bật nhất phải kể đến phong trào Art Nouveau tại Pháp.
Áp phích của F. Champenois Imprimeur-Editeur, 1897 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Phong trào Art Nouveau tồn tại vào khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nó bao trùm lên khá nhiều loại hình nghệ thuật bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc và điêu khắc. Ngoài ra, Art Nouveau cũng xuất hiện phổ biến ở nghệ thuật trang trí. Vậy nhưng, xuất sắc hơn cả là những tấm áp phích thủ công được thực hiện bởi họa sĩ Alphonse Mucha, người có công nâng tầm loại hình nghệ thuật hiện đại này.
“Four Seasons,” 1897 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Cuộc đời của Alphonse Mucha
Danh họa Alfons Maria Mucha (hay còn được biết đến với tên gọi quốc tế Alphonse Mucha) sinh năm 1860 tại Ivančice, một thị trấn nhỏ mà nay là một phần của nước Cộng hòa Séc. Tuổi thơ của ông gắn liền với Cơ đốc giáo. Và ngay từ khi còn bé, Mucha đã sớm bộc lộ tài năng thiên phú về nghệ thuật, ông cũng niềm yêu thích lớn với âm nhạc. Mucha từng chia sẻ: “Đối với tôi, hội họa, cơ đốc giáo, và âm nhạc có mối quan hệ mật thiết với nhau.”
“Crucifixion,” 1868 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Mặc dù Mucha đặt 3 yếu tố trên trong một mối quan hệ gắn kết, mỗi yếu tố lại có một ảnh hưởng nhất định tới sự nghiệp của ông. Ví dụ như họa phẩm Portrait of Saints Cyril and Methodius, đơn đặt hàng quy mô lớn đầu tiên mà Mucha nhận được.
“Portraits of Saints Cyril and Methodius,” 1887 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Vai trò của ông tại nhà thờ Cơ đốc đã giúp ông có được đơn đặt hàng đầu tiên với quy mô lớn trong sự nghiệp của mình, mang tên Portrait of Saints Cyril and Methodius. Trong khi đó, niềm đam mê lớn với âm nhạc đã mở ra hướng đi mới cho ông, đó chính là một nhà thiết kế sân khấu kịch.
Tuy nhiên, Mucha chỉ thực sự gây được tiếng vang tại Paris, Pháp sau khi cho ra đời loạt tác phẩm áp phích quảng cáo sân khấu kịch.
Thành công tại La Belle Époque Paris
Vào năm 1888, Mucha chuyển tới sống tại thủ đô Paris, Pháp. Tại đây, ông đã tạo dựng quan hệ với cộng đồng Xla-vơ và Charlotte Caron, người đỡ đầu các trào lưu nghệ thuật mới, kiêm chủ sở hữu phòng triển lãm Crémerie. Tại đây, Mucha đã chuyển hướng tập trung từ hội họa và kịch nghệ sang vẽ tranh minh họa cho tạp chí, một lĩnh vực mà sau này ông đã gặt hái nhiều thành công vang dội.
Từ trái sang phải: Paul Gauguin, Alfons Mucha, Ludek Marold, Annah la Javanaise in 1896 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Khi đó, công việc vẽ tranh minh họa cho tạp chí như La Vie popular và Le Petit Français Illustré đã đem về cho ông mức thu nhập ổn định ở độ tuổi 30. Bởi vậy, Mucha đã mua được một số trang thiết bị phục vụ quá trình sáng tạo nghệ thuật như máy ảnh và một xưởng vẽ nhỏ được đồng sở hữu bởi danh họa Paul Gaugin.
Trang bìa năm 1901 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Đầu thập niên 90 của thế kỷ 19 đánh dấu hai bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Mucha. Bước ngoặt thứ nhất là quyết định đầu quân của ông cho Thư viện Mỹ thuật Trung tâm, một công ty sách nghệ thuật mà sau này đã phổ biến về phong cách Art Nouveau trong một cuốn tạp chí có tên gọi Art et Decoration. Bước ngoặt thứ hai, đồng thời là bước ngoặt quan trọng nhất, chính là đơn đặt hàng mà ông đã nhận được – sản phẩm áp phích giới thiệu nữ diễn viên sân khấu người Pháp Sarah Bernhardt, người được mệnh danh là giọng ca vàng, được xem là một trong những nghệ sĩ lớn nhất của thế kỷ 19.
Đây chính là cái duyên đã đưa Mucha tới công việc thiết kế áp phích, mà sau này đã trở thành lĩnh vực thành công nhất trong sự nghiệp của ông.
Áp phích quảng cáo
Tháng 12/1894, nữ diễn viên Bernhardt tìm kiếm họa sĩ thiết kế sản phẩm áp phích giới thiệu vở kịch Gismonda. Không may, thời điểm đặt hàng vào đúng giai đoạn cao điểm, chính vì vậy, đội ngũ thiết kế được lựa chọn ban đầu tới từ công ty xuất bản Lemercier nổi tiếng thời bấy giờ đã không kịp hoàn thành đơn đặt hàng.
Áp phích Sarah Bernhardt, 1896 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Ngay lập tức, Maurice de Brunhoff, giám đốc công ty đã yêu cầu Mucha – người họa sĩ có đam mê lớn với kịch nghệ đảm nhận nhiệm vụ này. Sản phẩm được hoàn thành có kích cỡ lớn với phong cách độc đáo, nổi bật là phần bóng đổ, và họa tiết khảm. Tác phẩm này đã đem lại cho Mucha danh tiếng chưa từng có cùng một bản hợp đồng với nữ nghệ sĩ huyền thoại Bernhardt.
Áp phích vở kịch “Gismonda,” 1894 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Trong vòng sáu năm, Mucha hoàn toàn chịu trách nhiệm thiết kế áp phích quảng bá cho các tác phẩm của Bernardt, bao gồm hai vở kịch La Tosca và Hamlet. Công việc này chính là bước đệm đưa ông đến với kỹ thuật in thạch bản, mà sau này đã đem lại cho ông một số đơn đặt hàng quan trọng.
Tác phẩm in
Nestlé, Moët-Chandon, và Beers of the Meuse chỉ là một số ít trong những công ty đã tin tưởng lựa chọn Mucha thiết kế áp phích quảng bá cho sản phẩm của họ tại Paris, Pháp. Và dễ dàng nhận thấy, tính chất sản phẩm là hoàn toàn khác nhau, hầu hết các sản phẩm áp phích được thực hiện bởi Mucha đều mang phong cách đặc trưng từng xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm dành cho nữ nghệ sĩ Bernardt – chính điều này đã góp phần truyền bá phong cách Art Nouveau.
Áp phích cho “Bières de la Meuse,” 1897 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Xuất hiện phổ biến trên những tấm áp phích là hình ảnh người phụ nữ đương đại xinh đẹp với những chi tiết mềm mại và nữ tính như mái tóc buông xõa, dáng vẻ yểu điệu trong bộ y phục và trang sức thời thượng – những đường cong uốn lượn cùng những hình ảnh được lấy cảm hứng từ thiên nhiên trên chính là những đặc điểm giúp định hình trào lưu nghệ thuật mới.
Không chỉ truyền bá phong cách Art Nouveau, các tác phẩm này cũng góp phần quảng bá nghệ thuật in khắc. Trước Mucha, kỹ thuật in khắc thường chỉ được áp dụng trong khắc gỗ, chạm trổ, và khắc axít. Tuy nhiên, vào thập niên 90 của thế kỷ 19, họa sĩ người Pháp Jules Chéret, người được mệnh danh là “cha đẻ của áp phích hiện đại” đã giới thiệu kỹ thuật in màu. Một số gương mặt nổi bật đã sử dụng thành công kỹ thuật này bao gồm Henri de Toulouse-Lautrec, Georges de Feure, và, tất nhiên, không thể không kể đến Alphonse Mucha.
Áp phích Moët & Chandon, 1899 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Sự nghiệp cuối đời và Di sản để lại
Với khả năng hội họa thiên phú, Mucha đã dễ dàng chuyển hướng và thực hiện những dự án, tác phẩm mang tính chất cá nhân. Cụ thể hơn, ông đã chuyển sang vẽ tranh lịch sử, mà sau này đã được trưng bày tại Hội chợ Thế giới năm 1900 bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng theo phong cách Art Nouveau.
Về sau, Mucha rời khỏi thành phố Paris để tới Praha, thủ đô của Tiệp Khắc, nơi ông dành 18 năm thực hiện dự án tham vọng nhất của mình mang tên: The Slav Epic. Với ý tưởng “thực hiện một tác phẩm thật sự xuất sắc, không chỉ dành cho các nhà phê bình mà còn cho người Xla-vơ”. Dự án này gồm 20 tác phẩm phản ánh các thành tựu văn hóa của người Xla-vơ, mà ông đã phải dành nhiều năm nghiên cứu thông qua những chuyến tham quan, nghiên cứu, và quan sát”.
Mucha đang vẽ bức tranh “Slav Epic,” 1924 (Ảnh: Wikimedia Commons)
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Mucha lại coi The Slavic Epic là thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp hội họa của mình, thay vì loạt áp phích rực rỡ và táo bạo. Thực tế, mặc dù các tác phẩm áp phích mang tích chất quảng bá của ông được coi là biểu tượng của nghệ thuật Art Nouveau, chính ông lại phản biện điều này: “Art Nouveau là gì cơ? Nghệ thuật thì không thể nào mới được.”
Bởi vậy, để hiểu rõ được tài năng thiên phú và kỹ thuật xuất chúng của người họa sĩ, ta cần nghiên cứu không chỉ các tác phẩm áp phích của ông mà còn cần đào sâu vào những dự án tâm huyết khác của người nghệ sĩ. Sau cùng thì chính Mucha là người đã liên hệ nghệ thuật với thương mại, ông từng chia sẻ: “nghệ thuật chỉ tồn tại để truyền tải thông điệp.”
Tác phẩm “The Introduction of Slavonic Liturgy” thuộc bộ tranh “Slav Epic,” 1912 (Ảnh: Wikimedia Commons)
NGUỒN:MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM