Kinh nghiệmTin tức

13 trào lưu định hình lịch sử nghệ thuật thị giác

By 18 Tháng Mười Một, 2019 Tháng Mười Một 22nd, 2019 No Comments

  Nghệ thuật thị giác hay Nghệ thuật trực quan là một hình thức nghệ thuật tạo ra các sản phẩm bắt nguồn tự nhiên, chủ yếu tác động vào thị giác và tác phẩm mỹ thuật như đồ gốm, ký họa, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đồ họa in ấn và các nghệ thuật thị giác hiện đại, thiết kế và thủ công mỹ nghệ. Lịch sử phương Tây đã xuất hiện 13 trào lưu giúp định hình và phát triển nghệ thuật thị giác.

Nhìn lại tiến trình lịch sử phương Tây, ta sẽ rất ngạc nhiên với số lượng lớn trào lưu nghệ thuật có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Các trào lưu nghệ thuật này không chỉ phản ánh sự phát triển của nghệ thuật hiện đại cùng nghệ thuật đương đại mà còn lột tả hiện thực xã hội qua từng giai đoạn.

Ví như, trường phái Ấn tượng từng được coi là một phong trào nghệ thuật không chính thống và gây nhiều tranh cãi hay cách chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đưa thành phố New York trở thành trung tâm nghệ thuật Phương Tây, một vị thế mà trước đây hoàn toàn thuộc về Paris, thủ đô ánh sáng của Pháp. Kết hợp lại, các trường phái nghệ thuật được ví như một bộ xếp hình có kết nối chặt chẽ với nhau, từ trường phái Hiện thực cho tới trào lưu Lowbrow. Nhìn lại một số phong trào nghệ thuật tiêu biểu, ta sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc cách mạng nghệ thuật của những danh họa nổi tiếng như Van Gogh, Picasso, và Warhol.

Nghệ thuật thời kỳ Phục hưng Ý

Từ thế kỷ 14 tới 17, nước Ý trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ chưa từng có trong lịch sử, thời kỳ Phục hưng. Trong tiếng Ý, Phục hưng hay Rinascimento mang ý nghĩa ‘tái sinh’. Thời kỳ Phục hưng đánh dấu những bước tiến về văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực hội họa và kiến trúc.

Họa sĩ thuộc thời kỳ này bao gồm những cái tên tiêu biểu như Michelangelo, Leonardo da Vinci, và Raphael đều chịu ảnh hưởng lớn từ hội họa cổ điển thời La Mã và Hy Lạp, tiếp nhận những đặc điểm nổi bật của giai đoạn như sự cân xứng, chủ nghĩa tự nhiên, và phối cảnh xa. Tại Ý, những cảm hứng này đã được hiện thực hóa qua các bức họa chân dung, những bức tượng điêu khắc với tỉ lệ giải phẫu chính xác, cùng hàng loạt công trình kiến trúc hài hòa, cân xứng.

Nghệ sĩ nổi bật: Michelangelo, Leonardo da Vinci, Raphael

Tác phẩm tiêu biểu: Tượng David của Michelangelo

Tác phẩm “David” của Michelangelo. 1501-1504. Phòng trưng bày dell’Accademia

Trào lưu nghệ thuật Baroque

Barouge là phong trào nghệ thuật xuất hiện tại Ý sau khi kết thúc thời kỳ Phục hưng. Tương tự giai đoạn trước, họa sĩ Baroque quan tâm tới tính chính xác và ưa thích sử dụng gam màu mạnh. Tuy vậy, khác với hội họa và kiến trúc Phục hưng, tác phẩm Baroque tập trung phản ánh sự lộng lẫy, xa hoa.

Điều này được minh chứng qua hàng loạt tác phẩm hội họa, điêu khắc, và kiến trúc đương thời. Họa sĩ Baroque thường phản ánh tính kịch trong tác phẩm thông qua cách xử lý ánh sáng cùng chuyển động của nhân vật trong khi các nghệ nhân điêu khắc lại tập trung khắc họa tính kịch qua những đường khắc táo bạo cùng những chi tiết phức tạp. Trong khi đó, kiến trúc sư Baroque lại tô điểm cho thiết kế của họ với những tác phẩm điêu khắc cùng những cột trụ lớn.

Nghệ sĩ nổi bật: Caravaggio, Rembrandt, Bernini

Tác phẩm tiêu biểu: The Ecstasy of St. Teresa của Bernini

Tác phẩm “The Ecstasy of St. Teresa” của Bernini. 1647-1652. Cornaro Chapel, Santa Maria della Vittoria, Rome

Trường phái Hiện thực

Trường phái Hiện thực là một trào lưu nghệ thuật xuất phát tại Pháp, sau cuộc Cách Mạng Pháp năm 1848. Nó đi ngược lại mọi giá trị chủ nghĩa Lãng mạn, phong trào thống trị nghệ thuật thời kỳ trước. Họa sĩ phái Hiện thực thường tập trung khắc họa đời sống xã hội cùng con người đương thời. Những điều tưởng như thông thường ở hiện tại lại mang ý nghĩa cách mạng hóa sau hàng thế kỷ qua những câu chuyện thần thoại, những bài học kinh thánh, hoặc các bức chân dung về giới qúy tộc và tăng lữ thời bấy giờ mà người họa sĩ phác họa.

Một số họa sĩ người Pháp như Gustave Courbet và Honoré Daumier, bên cạnh những họa sĩ nước ngoài như James Abbott McNeill Whistler, tập trung mô tả các tầng lớp xã hội đương thời nhằm đòi lại công bằng cho người nghèo, qua đó phản ánh những vấn đề còn tồn tại trong xã hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhiếp ảnh cũng có tác động lớn tới thể loại nghệ thuật này, nó khích lệ người nghệ sĩ tập trung vào hình ảnh chân thật so với công nghệ hiện đại.

Họa sĩ nổi bật: Gustav Courbet, Jean-Baptiste-Camille Corot, Jean-François Millet

Tác phẩm tiêu biểu: The Gleaners của Jean-François Millet

Tác phẩm “The Gleaners” của Jean-François Millet. 1857. Musee d’Orsay, Paris

Trường phái nghệ thuật Ấn tượng

Ngày nay, Ấn tượng là một trường phái nghệ thuật được đón nhận rộng rãi, tuy nhiên, trong quá khứ, trào lưu nghệ thuật này từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới chuyên môn. Thoát ly khỏi trường phái Hiện thực, họa sĩ phái Ấn tượng không chú trọng vào giá trị hiện thực, thay vào đó, họ sử dụng nét vẽ rõ nét, pha trộn màu sắc và nhấn mạng sự thay đổi của ánh sáng cùng chuyển động qua lối vẽ ngoài trời.

Nhóm họa sĩ chủ chốt, tiên phong cho trường phái Ấn tượng bao gồm: Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley, and Frédéric Bazille, được thành lập vào những năm đầu thập niên 60 tại Pháp. Trong suốt thế kỷ 19, Học viện Mỹ thuật là trụ cột của tổ chức nghệ thuật Pháp và là đơn vị tổ chức triển lãm hàng năm tại Salon de Paris. Bất kỳ tác phẩm mới nào thách thức những tiêu chuẩn được đề ra sẽ bị loại bỏ và phần lớn tác phẩm thuộc phái Ấn tượng đã bị từ chối với lý do gây nhiều tranh cãi. Bị từ chối bởi nhiều phòng trưng bày, họa sĩ phái Ấn tượng phải tìm cách thực hiện những buổi triển lãm riêng. Buổi triển lãm Ấn tượng đầu tiên diễn ra vào năm 1874 đã nhận được sự đón nhận ngoài mong đợi của công chúng.

Nghệ sĩ nổi bật: Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Mary Cassatt

Tác phẩm tiêu biểu: Loạt tác phẩm Water Lilies của Claude Monet

Tác phẩm “Water Lilies” của Claude Monet. 1906. Học viện Mỹ thuật tại Chicago.

Trường phái nghệ thuật Hậu Ấn tượng

Hậu Ấn tượng là trường phái nghệ thuật xuất hiện lần đầu ở Pháp từ năm 1886 đến 1905 với mục đích phản đối trào lưu Ấn tượng. Lần này, họa sĩ Hậu Ấn tượng bác bỏ tầm quan trọng của việc nắm bắt ánh sáng cùng màu sắc của tự nhiên, mối quan tâm lớn của họa sĩ phái Ấn tượng. Trái ngược phong cách trào lưu đi trước, trường phái Hậu Ấn tượng sử dụng nhiều phong cách hội họa, từ kỹ thuật vẽ tranh bằng những chấm li ti của Georges Seurat cho tới chủ nghĩa tượng trưng của Paul Gauguin.

Không bị bó buộc bởi một phong cách nhất định, họa sĩ Hậu Ấn tượng được hợp lại qua việc sử dụng những yếu tố trừu tượng hoặc cách lựa chọn hình ảnh mang tính biểu tượng. Có lẽ họa sĩ nổi bật nhất của trường phái Hậu Ấn tượng chính là Vincent van Gogh, người sử dụng màu sắc cùng nét vẽ để phản ánh những cảm xúc cùng chiêm nghiệm của bản thân.

Họa sĩ nổi bật: Vincent van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin

Tác phẩm tiêu biểu: The Starry Night của Vincent van Gogh

Tác phẩm “The Starry Night” của Vincent van Gogh. 1889. MoMA, New York.

Trường phái nghệ thuật Lập thể

Có thể nói, Lập thể là một trào lưu nghệ thuật mang tính cách mạng của thế kỷ 20. Pablo Picasso và Georges Braque chính là hai nhà sáng lập của trường phái nghệ thuật này. Tên gọi ‘Lập thể’ xuất hiện bởi nhà phê bình nghệ thuật Louis Vauxcelles đã sử dụng nó để miêu tả họa sĩ của phái vào năm 1907. Xuyên suốt thập niên 1910 và 1920, trường phái Lập thể đã thú hút những họa sĩ có hứng thú với việc áp dụng hình học vào hội họa. Trong tác phẩm của họa sĩ Lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một dạng thức trừu tượng.

Việc chia nhỏ hình ảnh thành những đường thẳng cùng hình khối nhỏ là cách thức tối giản hóa của họa sĩ Lập thể. Điều này còn được thể hiện qua màu sắc của tác phẩm bởi họa sĩ thường không tô bóng, ngoài ra, họ ưu tiên sử dụng những gam màu cơ bản tạo hiệu ứng một chiều cho họa phẩm. Đối lập với phương thức phối cách chuẩn mực từ thời Phục hưng. Trường phái Lập thể là bước đệm cho sự ra đời của hàng loạt trào lưu nghệ thuật sau này bằng cách, tương tự chủ nghĩa Siêu hiện thực và trường phái Biểu hiện trừu tượng, bằng cách xóa bỏ mọi luật lệ cứng nhắc.

Họa sĩ nổi bật: Pablo Picasso, Georges Braque, Juan Gris

Tác phẩm tiêu biểu: Les Demoiselles d’Avignon by Pablo Picasso

 

Tác phẩm “Les Demoiselles d’Avignon” của Pablo Picasso. 1907. MoMA

Trường phái nghệ thuật Siêu thực

Thực chất chủ nghĩa Siêu thực không có một định nghĩa chuẩn xác, nhưng có thể khằng định nó đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, là một trong những phong cách được sử dụng rộng rãi nhất cho tới ngày hôm nay. Chủ nghĩa Siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng cách trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ. Những người theo chủ nghĩa Siêu thực tìm cách chìm vào trạng thái vô thức như là một phương thức để mở khóa sức mạnh của trí tưởng tượng.

Trường phái Siêu thực mở ra một vùng trời nơi người nghệ sĩ có thể tự do sáng tạo mà không bị gò bó bởi những khuôn phép cứng nhắc. Nghệ sĩ Siêu thực thường thách thức thực tại cùng nhận thức trong tác phẩm một phần là bởi vì sự kết hợp giữa phong cách hiện thực với sự nổi loạn, phi hiện thực cùng nội dung tác phẩm.

Nghệ sĩ nổi bật: Salvador Dalí, Max Ernst, René Magritte

Tác phẩm tiêu biểu: The Persistence of Memory của Salvador Dalí

Tác phẩm “The Persistence of Memory” của Salvador Dalí. 1931. MoMA, New York.

Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng

Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng là một phong trào hội họa sau Thế chiến II trong hội họa Mỹ, đồng thời là trào lưu nghệ thuật đầu tiên bùng nổ trên phạm vi quốc tế. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đã đưa New York trở thành trung tâm nghệ thuật mới, một vị thế mà trước đó chỉ thuộc về thành phố ánh sáng Paris. Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng tồn tại trong khoảng thập niên 40 và 50, mặc dù thuật ngữ này từng được sử dụng để mô tả các tác phẩm thuộc thế hệ danh họa về trước như Wassily Kandinsky. Trường phái nghệ thuật này thừa hưởng lối vẽ phóng khoáng của trường phái Siêu thực và thêm vào đó sắc thái u ám từ thế chiến thứ II.

Jackson Pollock chính là cánh chim đầu đàn của phong trào hội họa này. Khái niệm ‘Biểu hiện trừu tượng’, tuy vậy không bó buộc cho một phong cách cụ thể. Các tác phẩm tượng hình của Willem de Kooning hoặc các tác phẩm họa phái trường đồ của Mark Rothko đều được xếp vào chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Họa sĩ nổi bật: Jackson Pollock, Willem de Kooning, Clyfford Still

Tác phẩm tiêu biểu: Autumn Rhythm (Số 30) của Jackson Pollock

 

Tác phẩm “Autumn Rhythm (Number 30)” của Jackson Pollock. 1950. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, New York.

Nghệ thuật Đại chúng

Nổi lên vào thập kỷ 50, Nghệ thuật Đại chúng là trào lưu mở đường cho sự ra đời của nghệ thuật đương đại. Phong cách nghệ thuật này xuất hiện vào thời kỳ hậu chiến tranh tại Anh Quốc và Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức thông tin mới như truyền hình, điện ảnh, quảng cáo và truyện tranh. Họa sĩ Đại chúng ưa chuộng sử dụng các yếu tố tầm thường hay các yếu tố hào nhoáng nhưng không có giá trị thực sự, thông qua sự châm biếm hài hước. Ngoài ra, nghệ thuật Đại chúng được coi là một phong trào nghệ thuật phản bác yếu tố tiềm thức xuất hiện trong chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng.

Tác phẩm nổi loạn và sặc sỡ của Roy Lichtenstein chính là một minh chứng tiêu biểu cho cách mà nghệ thuật châm biếm, hài kịch kết hợp với văn hóa dân gian và nghệ thuật tạo hình từ đó hình thành một loại hình nghệ thuật gần gũi với đại chúng. Andy Warhol, họa sĩ nổi bật nhất nghệ thuật Đại chúng đã thực hiện cuộc cách mạng hóa nghệ thuật Đại chúng với kỹ thuật sản xuất hàng loạt, cho ra vô vàn bản in lụa các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Họa sĩ nổi bật: Andy Warhol, Roy Lichtenstein, Jasper Johns

Tác phẩm tiêu biểu: Campbell’s Soup Cans của Andy Warhol

Nghệ thuật Sắp đặt

Vào giữa thế kỷ 20, hàng loạt nghệ sĩ tiên phong tại Mỹ và Châu Âu bắt đầu thực hiện sản phẩm nghệ thuật sắp đặt. Tác phẩm của nghệ thuật sắp đặt bao gồm những công trình 3D với quy mô lớn được đặt trong không gian mà người xem sẽ tương tác với nó. Không gian này có thể là một viện bảo tàng, phòng trưng bày, hay một không gian ngoài trời rộng lớn.

Trong thực tế, về hình thức, nghệ thuật sắp đặt xuất hiện ở châu Âu từ những năm đầu thế kỷ 20 với những tác phẩm ‘sẵn có’ (ready made) của Marcel Duchamp (Pháp), người họa sĩ thuộc trường phái nổi loạn Dada. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng chính của 2 nhà tiên phong Nghệ thuật Sắp đặt, Yayoi Kusama và Louise Bourgeois. Ngày nay, họa sĩ đương đại tiếp tục gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này, họ tiến hành nhiều thử nghiệm với những vật liệu như dây thừng, giấy, và hoa.

Họa sĩ nổi bật: Yayoi Kusama, Louise Bourgeois, Damien Hirst

Tác phẩm tiêu biểu: Mirror Rooms by Yayoi Kusama

Tác phẩm “The Souls of Millions of Light Years Away” của Yayoi Kusama

Nghệ thuật động học

Loại hình nghệ thuật tưởng trừng vô cùng mới mẻ này thực chất xuất hiện từ giai đoạn Ấn tượng, khi người nghệ sĩ cố gắng khắc họa chuyển động trong tác phẩm. Vào đầu thập niên 1900, một bộ phận nghệ sĩ bắt đầu khám phá nghệ thuật chuyển động, thiết kế những tác phẩm điêu khắc mang hình dạng máy móc và chuyển động, qua đó thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật động học. Hai nghệ sĩ người Nga, Vladimir Tatlin và Alexander Rodchenko là những nhà sáng tạo tiên phong nghệ thuật động học mà sau này được hoàn thiện bởi Alexander Calder.

Trong nghệ thuật đương đại, thuật ngữ ‘nghệ thuật động học’ được dùng để chỉ những tác phẩm điêu khắc và sắp đặt tập trung vào yếu tố chuyển động. Nghệ sĩ người Mỹ Anthony Howe chính là một trong những người đi đầu nghệ thuật đương đại, ông thường sử dụng các phần mềm thiết kế đồ họa trên máy tính để tiến hành các tác phẩm điêu khắc điều khiển gió.

Nghệ sĩ nổi bật: Alexander Calder, Jean Tinguely, Anthony Howe

Tác phẩm tiêu biểu: Arc of Petals của Alexander Calder

Tác phẩm “Rouge Triomphant (Triumphant Red)” của Alexander Calder. 1959-1965.

Photorealism (Tạm dịch: Chủ nghĩa Tranh mô phỏng ảnh chụp)

Photorealism là một loại hình hội họa, mà ở đó, người nghệ sĩ nghiên cứu bức ảnh mẫu và tái tạo hình ảnh giống thật nhất có thể bằng các kĩ thuật sơn vẽ. Phong cách của Photorealism là chặt chẽ và tuyệt đối chính xác. Hình ảnh trong tranh đòi hỏi sự chân thực ở mức độ cao, mà người nghệ sĩ cần kỹ thuật điêu luyện để mô phỏng lại. Sẽ phải mất hàng giờ để thực hiện một tác phẩm Photorealism, nhưng thành quả thu được luôn luôn rất đáng kinh ngạc. Photorealism xuất hiện lần đầu tại Mỹ, nó thu hút sự chú ý của công chúng vào cuối thập niên 60 và 70 như một trào lưu đả kích trường phái Biểu hiện trừu tượng. Tương tự Nghệ Thuật Đại chúng, Photorealism tập trung khắc họa bối cảnh văn hóa xã hội đương thời.

Các tác phẩm Photorealism thời đầu thường xoay quanh phong cảnh nước Mỹ, tuy nhiên gần đây, tranh chân dung Photorealism đã trở nên phổ biến hơn. Hyperrealism (Tạm dịch: Chủ nghĩa Cực thực) là một trào lưu phát sinh từ Photorealism. Tuy nhiên, nếu như Photorealism lấy ảnh chụp để làm mẫu rồi tạo ra những bức tranh trông y như ảnh, thì các Hyperrealist còn muốn nhiều hơn thế: tạo ra những hình ảnh sống động mà đến cả máy ảnh cũng không tạo ra được. Ngoài ra, Hyperrealism hướng đến việc tạo ra các tác phẩm có hiệu quả cảm xúc, xã hội và văn hóa mạnh mẽ, khác hẳn với Photorealism chỉ chú ý về các vấn đề kỹ thuật.

Nghệ sĩ nổi bật: Chuck Close, Ralph Going, Yigal Ozeri

Tác phẩm tiêu biểu: Untitled của Yigal Ozeri

Tác phẩm “Untitled” của Yigal Ozeri. 2012.

Phong trào hội họa Lowbrow

Lowbrow, hay còn gọi là chủ nghĩa Siêu thực Đại chúng là một phong trào hội họa có nguồn gốc từ California thập kỷ 70. Không được xếp vào thể loại nghệ thuật tạo hình, Lowbrow chuyển hướng thiết kế truyện tranh, nhạc punk và văn hóa lướt sóng. Họa sĩ phái Lowbrow không quan tâm nhận được sự công nhận của những phòng trưng bày đại chúng. Bằng cách kết hợp trí tưởng tượng cùng màu sắc, nhân vật phổ biến, họa sĩ sáng tạo những bức tranh kỳ ảo với chủ đề tình ái hoặc trào phúng. Sự xuất hiện của những tạp chí như Juxtapoz và Hi-Fructose đã tạo không gian cho nghệ sĩ Lowbrow trưng bày tác phẩm của mình.

Họa sĩ nổi bật: Mark Ryden, Ray Caesar, Audrey Kawasaki

Tác phẩm tiêu biểu: Incarnation của Mark Ryden

NGUỒN:MYMODERNMET/DESIGNSSINHVU/SINHVU.COM