Không phải biểu trưng (logo) nào cũng có thể đứng vững trước thử thách thời gian. Khi một biểu trưng không còn được chú ý hoặc không còn phản ánh chính xác bản sắc thương hiệu thì việc thay thế nó bằng biểu trưng mới hơn là một việc nên làm. Và thay vì thiết kế mới hoàn toàn với rất nhiều rủi ro, giữ lại các khía cạnh vẫn hữu ích và loại bỏ, hoặc đơn giản là thay đổi, những yếu tố không cần thiết là cách tiếp cận tốt nhất có thể. Bài viết sau đây là năm phương pháp làm mới biểu trưng đã được thử nghiệm kĩ càng cùng thương hiệu đã đạt được hiệu quả tuyệt vời khi áp dụng chúng.
Làm mới biểu trưng luôn là một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của mọi người đến thương hiệu, dù rằng không phải lúc nào cũng là loại chú ý mà bạn mong muốn. Nó cũng có thể làm những khách hàng trung thành đã thoải mái với thiết kế cũ cảm thấy tức giận và rời bỏ thương hiệu để đến với thương hiệu khác đã và đang bảo lưu các giá trị mà họ mong muốn như xưa.
1. Thay đổi bảng màu
Màu sắc và lý thuyết màu sắc đóng vai trò quan trọng trong một thiết kế tốt; mỗi màu có ý nghĩa riêng và bảng màu được chọn tốt có thể vừa truyền tải tâm ý thương hiệu vừa bày tỏ trực tiếp điều đó với thị trường cốt lõi. Và khi một thương hiệu được nhận biết rộng rãi, màu sắc có thể là kênh giao tiếp tốt nhất mà bạn cần. Tuy nhiên, qua thời gian, bảng màu hoặc các màu trọng tâm đang dùng có thể không còn phản ánh chính xác giá trị thương hiệu và việc thay đổi trong bảng màu trở thành một lựa chọn khả thi.
McDonald là thương hiệu nổi tiếng gần đây nhất thực hiện điều này thành công. Công ty nổi tiếng với đồ ăn vặt này muốn tái định vị bản thân thành công ty có ý thức tốt hơn về sức khỏe và sinh thái. Công ty vẫn giữ nguyên chữ M dạng vòm truyền thống với màu sắc cơ bản được lấy từ những thương hiệu cũ. Trong khi đó, ở chuỗi cửa hàng ở châu Âu, công ty đã thay thế nền đỏ sống động bằng một màu xanh lá cây tinh tế hơn.
2. Loại bỏ văn bản
Có một nhận diện thương hiệu có thể được nhận ra ngay lập tức là một giấc mơ của mọi bộ phận tiếp thị, nhưng nó cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với các nhà thiết kế và bản thân công ty. Khi biểu trưng của bạn được thiết kế tốt, việc thay đổi nó có thể sẽ dẫn tới những hệ quả tệ hại không thể tưởng tượng được. Lúc này, bạn cần biết cách sử dụng tính dễ nhận biết để làm lợi thế cho mình bằng cách loại bỏ hoàn toàn văn bản để tập trung hoàn toàn vào phần hình ảnh của biểu trưng.
Đây là một hành động đòi hỏi sự tự tin cao độ và phụ thuộc hoàn toàn vào ảnh hường mà biểu trưng tạo ra được trước khi nó trở nên vô cùng nổi tiếng. Khi thương hiệu có thể thoát khỏi vòng lặp này, công ty của bạn sẽ thắng lớn về mặt quảng bá, với dấu ấn về sự phản ứng nhanh trong khi làm giảm cảm giác về tương tác tập thể và tăng cảm giác về tương tác cá nhân. Và gần đây nhất, Pentagram đã giúp Mastercard loại bỏ văn bản để đơn giản hóa biểu trưng thành một cặp vòng tròn được xếp chồng lên nhau. Hành động này khiến Mastercard trở nên ngang hàng với các thương hiệu có biểu trưng không chữ khác như Apple, Starbucks và Nike.
3. Chuyển đổi phông chữ
Trong khi các quy tắc cơ bản của thiết kế không bao giờ thay đổi thì khẩu vị cùng thói quen tiêu dùng luôn chuyển động không ngừng và để đáp ứng nhu cầu này, kiểu chữ trở thành yếu tố cần được thay đổi thường xuyên. Trên thực tế, có một sự thay phiên đều đặn giữa serifs và sans serifs trong xu hướng thiết kế toàn cầu. Ví dụ cách đây vài năm, việc sử dụng phông chữ serif làm cho thương hiệu có vẻ có thẩm quyền và đáng kính. Tuy nhiên, những dòng chữ đó ở hiện tại trông thật ngột ngạt và lạc lõng.
Mọi nhà thiết kế biểu trưng đều phải đối mặt với thực tế là dù sớm hay muộn thì phông chữ tuyệt vời mà họ chọn cho phần văn bản sẽ bị lỗi thời một cách khủng khiếp. Và trong khi chờ xu hướng thị trường quay trở lại trong vài năm nữa, họ sẽ cần thay đổi biểu trưng ngay bây giờ. Hiểu điều này, vào năm 2015, Google đã cho thay biểu trưng dùng phông serif đã lỗi thời bằng một thiết kế thân thiện hơn với phông chữ Product Sans của riêng mình, trong khi vẫn giữ nguyên cách phối màu và độ nghiêng vui tươi của chữ ‘e’ cuối cùng, từ đó tạo ra vẻ tươi mới, hiện đại cho một thương hiệu Internet lâu năm.
4. Tái sử dụng thiết kế cũ
Bất kỳ thương hiệu nào sau một thời gian hoạt động sẽ tích lũy một loạt mẫu thiết kế biểu trưng không sử dụng và trong nhiều trường hợp công ty sẽ phải trả tiền để xem liệu trong số những biểu trưng được lưu trữ này có thứ gì đáng để chú ý và có thể sử dụng lại trong các dự án tương lai hay không. Một biêu trưng được thiết kế vào những năm 1960 đã bị “nghỉ hưu “ sau 20 hoặc 30 năm hoạt động có thể trông rất tươi mới, thú vị và hữu ích một lần nữa khi nó được làm sạch và tinh chỉnh bằng các công nghệ hiện nay
Và với một biểu trưng xưa cũ được tái sử dụng, bạn còn có thể nhận được thêm phần thưởng là cảm tình của những người tiêu dùng lớn tuổi với xu hướng hoài cổ: Mọi người trở nên hào hứng khi thương hiệu gắn liền với sở thích thời thơ ấu của họ trở lại, như đã thấy vào năm 2016 khi North mang dòng chữ Co-op cách điệu thành cỏ bốn lá đã rất thành công vào những năm 1960 làm biểu trưng trong giai đoạn sắp tới cho chuỗi cửa hàng bán lẻ Co-operative tại Anh.
5. Đơn giản hóa
Một điều khác có thể xảy ra với một thiết kế biểu trưng đã tồn tại nhiều năm là mọi người không thể cưỡng lại việc tinh chỉnh nó liên tục. Một chút bóng đổ ở đây, một chút ánh sáng ở kia, một số chi tiết bổ xung theo xu hướng,… và kết quả cuối cùng của tất cả những điều chỉnh nhỏ này có thể là một thảm họa mỹ thuật khi biểu trưng giống như một bãi chiến trường của các trường phái thiết kế.
Ngay cả khi biểu trưng không được chăm sóc trong nhiều năm, nó cũng có thể không còn phù hợp với nhu cầu và mục đích hiện tại. Ngày nay, để thiết kế một biểu trưng mới, nhóm thiết kế cần phải làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều. Họ cần có cái nhìn toàn cảnh về mọi thứ, từ các biểu ngữ lớn, hình ảnh đại diện trên mạng xã hội, cho đến biểu tượng của các ứng dụng di động. Còn các biểu trưng cũ thì không nhất thiết phải chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu mở rộng mức độ nhận biết của khách hàng ở như trên.
Khi bạn cần giải quyết một trong hai trường hợp trên, cách thông thường duy nhất là quay trở lại với các yếu tố cơ bản và chỉ giữ lại cũng như bổ sung các yếu tố cần thiết từ thương hiệu, như trong thiết kế gần đây của Dan Lawrence cho Grolsch. Khi đã xác định rằng tính độc đáo và câu chuyện thương hiệu đã bị mất qua nhiều lần thiết kế lại, ông đã loại bỏ mọi thứ xuất phát từ thương hiệu mà không phục vụ mục đích nào, thậm chí tái tạo biểu trưng theo kiểu đơn giản hóa. Và kết quả mà chúng ta có là một biểu trưng tối giản, đa dụng, mạnh mẽ và tràn trề sinh lực trong khi vẫn đủ có thể nhận ra thương hiệu Grolsch.
NGUỒN: CREATIVEBLOQ/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM