Kinh nghiệmTin tức

4 cách tạo catchlight hiệu quả cho ảnh chụp chân dung

By 10 Tháng Chín, 2020 No Comments

Trong một bức ảnh chụp chân dung, đôi mắt được coi là bộ phận quan trọng nhất của chủ thể, đóng vai trò tiêu điểm và là điểm sáng của toàn bức ảnh. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi đôi mắt vốn được coi là cửa sổ của tâm hồn, là cầu nối giao tiếp mà chúng ta vẫn thường tiếp cận hàng ngày trong khi tương tác với những người khác.

Đối với một nhiếp ảnh gia, khi chụp chân dung, nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để có thể biến đôi mắt của chủ thể trở thành tiêu điểm của bức ảnh. Chìa khóa để đạt được điều này chính là từ việc tạo ra catchlight cho chủ thể. Về cơ bản, catchlight là điểm ánh sáng phản chiếu trên mắt của chủ thể. Điểm sáng này sẽ tạo thêm độ sâu và làm cho mắt to thêm, từ đó “thổi hồn” cho bức ảnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng bàn luận về tầm quan trọng của catchlight trong nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh chân dung nói riêng, cũng như cách sử dụng chúng theo mong muốn của mình.

Catchlight là gì?


Như đã nói ở trên, catchlight đơn giản là ánh sáng phản chiếu của nguồn sáng trên mắt chủ thể, bất kể đó là nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo, chỉ cần có ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt sẽ tạo ra catchlight. Catchlight có thể có kích thước to nhỏ và hình dạng khác nhau tùy thuộc vào nguồn sáng chiếu đến mắt.

Trong nhiếp ảnh chân dung, catchlight đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện các chi tiết trong đôi mắt cũng như làm cho bức ảnh trở nên sinh động hơn, quyến rũ hơn. Một đôi mắt thiếu đi catchlight sẽ khiến cho bức hình trở nên cực kì vô hồn và cứng nhắc, làm cho người xem khó có thể tương tác với chủ thể.

Cách tạo catchlight cho chụp chân dung.


Nếu mục tiêu của bạn đơn thuần chỉ là tạo catchlight cho ảnh chân dung, cách đơn giản nhất để đạt được điều này là hướng tầm nhìn của chủ thể thẳng tới nguồn sáng chính. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo có được catchlight rõ nhất, sáng nhất có thể và chắc chắn sẽ trở thành điểm nổi bật nhất trong tấm ảnh.

Nếu bạn sử dụng ảnh sáng tự nhiên hoặc đèn studio kết hợp với đèn chụp chân dung (modeling light), bạn sẽ có thể thấy rõ catchlight ở mắt của mẫu ảnh trước khi chụp. Do đó, tất cả những gì bạn cần làm lúc này chỉ là chỉnh hướng tạo dáng của mẫu ảnh cho tới khi đạt được catchlight mong muốn. Nếu như không có đèn chụp chân dung, bạn sẽ cần phải cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong quá trình điều chỉnh tạo dáng mẫu ảnh, cũng có thể sẽ cần phải chụp thử một vài tấm ảnh để nghiệm thu kết quả của mình.

Vị trí chiếu sáng


Để có được một tấm ảnh với catchlight tự nhiên, vị trí lý tưởng nhất để chiếu sáng là từ trên xuống. Điều này sẽ tạo ra một vài hiệu ứng như sau. Trước hết, do được chiếu sáng từ trên cao, catchlight sẽ xuất hiện phía bên trên con ngươi của mẫu ảnh, khiến người xem liên tưởng tới ánh sáng tự nhiên từ mặt trời. Bên cạnh đó, catchlight phía trên con ngươi cũng sẽ để lộ thêm nhiều chi tiết của đôi mắt trong bức ảnh.

Kích thước


Kích thước của catchlight trong đôi mắt chủ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn sáng được sử dụng. Thí dụ, nếu bạn chụp hình vào giữa ban ngày với bầu trời quang đãng, nguồn sáng duy nhất lúc này chỉ là mặt trời trên cao, từ đó catchlight sẽ xuất hiện với kích thước nhỏ xíu trong đôi mắt chủ thể. Trái lại, nếu như bức ảnh được chụp trong một ngày u ám, nhiều mây thì cả bầu trời lúc này sẽ trở thành nguồn sáng, đồng nghĩa với catchlight cũng sẽ có kích thước lớn hơn. Các nguồn sáng nhân tạo cũng sẽ có cơ chế hoạt động tương tự, nguồn sáng được đặt càng gần chủ thể, catchlight sẽ có kích thước càng lớn.

Điều chỉnh kích thước catchlight cũng tương đối dễ thực hiện, đặc biệt đối với nguồn sáng nhân tạo. Thông thường, kích thước của catchlight nên được để ở mức vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ.

Cường độ sáng


Cường độ sáng của catchlight cũng là một yếu tố quan trọng khi chụp chân dung. Cũng tương tự như các yếu tố ở trên, cường độ sáng của catchlight cũng được quyết định chủ yếu bởi nguồn sáng, cụ thể là kích thước của nguồn sáng. Các nguồn sáng có kích thước nhỏ như mặt trời hay đèn spotlight kích thước nhỏ sẽ cho ra catchlight có cường độ sáng gắt hơn so với các nguồn sáng có kích thước lớn như bầu trời nhiều mây.

Cường độ sáng của catchlight cũng sẽ có những tác động nhất định tới một bức ảnh chân dung. Lấy ví dụ, trong một bức ảnh chân dung cận cảnh với đôi mắt chiếm phần lớn của bức ảnh, cường độ sáng của catchlight lúc này sẽ không quá quan trọng. Tuy nhiên, với một bức ảnh chụp nửa thân hoặc toàn thân, catchlight lúc này sẽ cần phải có cường độ sáng lớn hơn để có thể khiến cho đôi mắt trở nên nổi bật trong bức ảnh. Đương nhiên, bạn luôn có thể điều chỉnh cường độ sáng của catchlight bằng các phần mềm chỉnh sửa như Photoshop cho bức ảnh trở nên chau chuốt và đúng ý hơn.

Trở nên sáng tạo hơn với catchlight trong nhiếp ảnh chân dung.
Ngoài những cách tạo catchlight cơ bản, một nhiếp ảnh gia cũng nên tìm kiếm những cách sử dụng catchlight trong ảnh chân dung sáng tạo và đột phá hơn để có được những bức ảnh phá cách, độc đáo hơn. Có rất nhiều cách để bạn có thể thử trải nghiệm với catchlight và khiến chi tiết này trở nên thú vị hơn trong mắt người xem, dưới đây là một vài ví dụ.

1. Thêm nguồn sáng phụ


Đây là một cách đơn giản để giúp cho catchlight trong bức ảnh trở nên bắt mắt hơn. Sử dụng thêm một tới hai nguồn sáng trong tầm nhìn của mẫu ảnh sẽ tạo ra nhiều catchlight trên bức ảnh. Điểm mấu chốt ở đây đó là không nên quá lạm dụng cách làm này, bởi có quá nhiều catchlight xuất hiện cùng lúc trong đôi mắt sẽ làm người xem rối mắt, làm giảm đi mỹ quan của bức ảnh.


2. Sử dụng tấm phản quang


Sử dụng một tấm phản quang trắng làm nền sẽ có thể khiến cho đôi mắt của mẫu ảnh cực kì nổi bật với phần catchlight được lồng ghép vào nhau. Hiệu ứng này sẽ không được thể hiện quá rõ trong bức ảnh, song nó thực sự có thể khiến cho đôi mắt của chủ thể trở nên to và sáng hơn.


3. Sử dụng nhiều kiểu chiếu sáng khác nhau (Lightning pattern)


Sử dụng nhiều kiểu chiếu sáng với các nguồn sáng khác nhau sẽ có thể tạo nên những kiểu catchlights độc đáo và mới lạ. Hai kiểu chiếu sáng phổ biến nhất thường được sử dụng là cross lightning và clamshell lightning với những hiệu ứng catchlight cực kì đẹp mắt, đồng thời cũng rất hiệu quả và thuận tiện do chỉ cần sử dụng hai nguồn sáng.


4. Sử dụng những nguồn sáng mới lạ


Trên thị trường hiện tại không có quá nhiều loại đèn với hình dáng mới lạ để có thể tạo ra những kiểu dáng catchlight độc đáo, loại đèn phổ biến nhất dùng để thực hiện điều này là đèn LED vòng (ring light). Sử dụng loại đèn này sẽ khiến cho catchlight mang hình dáng một chiếc nhẫn trong đôi mắt chủ thể.

Những loại đèn độc đáo này sẽ mang lại một trải nghiệm mới lạ cho bạn trong quá trình chụp ảnh, đồng thời cũng có thể tạo ra nhiều hiệu ứng thú vị trong một bức ảnh chân dung.

NGUỒN:DIGITAL-PHOTOGRAPHY-SCHOOL/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM