Nội bộTin tức

Nhà điểu cầm học John James Audubon và những đóng góp vĩ đại cho nhân loại

By 2 Tháng Bảy, 2020 No Comments

Chim muông từ lâu đã là một nguồn cảm hứng bất tận cho giới họa sĩ, tuy vậy, có lẽ không một họa sĩ nào có thể có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới loài động vật này như họa sĩ kiêm nhà tự nhiên học và điểu cầm học người Mỹ gốc Pháp John James Audubon.

Chân dung John James Audubon, 1826 được vẽ bởi họa sĩ John Syme. (Ảnh: Wikipedia)

Audubon tên thật là Jean Rabin, ông đã đổi tên mình thành John James Audubon khi lên tàu di cư sang Mỹ vào năm 18 tuổi (1803). Có thể nói, Audubon có một niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn điểu cầm học, ông đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về loài động vật này và đã cho ra đời công trình vĩ đại mang tên “The Birds of America” (Các loài chim ở Mỹ).

Audubon ưa phiêu lưu, ông là một trong những người đầu tiên cùng gia đình chuyển tới Kentucky, một vùng đất có thể nói là hẻo lánh, hoang vu, và chưa được khai phá lúc bấy giờ. Sau một vài lần kinh doanh thất bại, Audubon phải trả nợ bằng cách đi vẽ tranh thuê trước khi rẽ sang sự nghiệp điểu cầm học – một sự nghiệp sẽ gắn bó với ông cho tới cuối đời.

Phải mất tới 7 năm cuốn bách khoa “The Birds of America” mới được chính thức xuất bản, và mất tận 11 năm để hoàn thiện toàn bộ tuyển tập. Mục tiêu của Audubon khá tham vọng, ông muốn vẽ được tất cả các loài chim sống tại Bắc Mỹ. Để làm được điều này tốn rất nhiều công sức và sự kiên trì, và rất may mắn là nhờ vào sự nỗ lực bền bỉ của Audubon, chúng ta đã có cuốn bách khoa minh họa lại hình dạng của tất cả các loại chim sống ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là Audubon bắt tay thực hiện dự án này khi ông đã 35 tuổi và đến năm ông 40 tuổi thì phiên bản đầu tiên của cuốn bách khoa mới được xuất bản. Phiên bản đầu tiên của cuốn bách khoa bao gồm những bức tranh minh họa các loài chim mà Audubon từng chạm mặt, bao gồm rất nhiều giống do ông khám phá và một vài trong số đó đã tuyệt chủng.

Vậy điều gì đã thôi thúc John James Audubon thực hiện dự án vô cùng kỳ công này? Tác động của nó tới họa sĩ và nhà điểu cầm học đương đại ra sao? Hãy cùng Designs.vn tìm ra câu trả lời nhé!

Tranh minh họa loài chim “Louisiana Heron” bởi John James Audubon. Trang 217 “The Birds of America” (Ảnh: National Audubon Society)

Niềm đam mê phiêu lưu

Tranh minh họa loài chim “Wild Turkey” bởi John James Audubon, trang 1 “The Birds of America” (Ảnh: National Audubon Society)

Cuộc sống của Audubon luôn tràn ngập những cuộc phiêu lưu kể từ thời điểm ông đặt chân tới nước Mỹ. Chuyến hải du của ông thực chất được thực hiện nhờ một tấm hộ chiếu giả mà cha ông lấy được, để đảm bảo con trai mình không bị bắt đi quân dịch trong suốt cuộc chiến kéo dài dai dẳng của Napoleon.

Ngay khi đặt chân tới nước Mỹ, Audubon tới ngay trang trại Mill Grove của gia đình nằm ở ngoại ô Philadelphia.Tại đây, ông hòa mình với thiên nhiên, và có cơ hội chứng kiến thế giới chim muông vô cùng phong phú và đa dạng ở Bắc Mỹ.

Niềm đam mê với thế giới hoang dã đã thôi thúc Audubon phác họa lại những loài chim mà ông đã có cơ hội chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, đó không phải tất cả; Audubon còn có hứng thú lớn với tập tính của loài động vật này. Ông đã ghi chép lại những quan sát của mình trong dự án điêu cẩm họ đầu tiên tại Bắc Mỹ, theo dõi xem chúng có quay trở lại hang ổ của mình mỗi năm hay không.

Khi đó, Audubon không kiếm sống bằng công việc điểu cầm học. Thay vào đó, ông nuôi sống gia đình trẻ của mình bằng công việc xuất nhập khẩu. Tuy vậy, Audubon vẫn tiếp tục nghiên cứu về các loài chim, niềm đam mê lớn của mình vào thời gian rảnh. Chính bởi vậy, ông đã trở thành một chuyên gia nhồi xác động vật, một nhà sưu tầm trứng chim, lông chim, và một vài mẫu vật khác của chúng.

Đến năm 1808, Audubon cùng gia đình chuyển tới vùng Kentucky. Tại đó, họ mở một cửa hàng bách hóa bên dòng sông Ohio. Khi công việc kinh doanh thất bát, gia đình ông chuyển vào sâu hơn và sống trong một căn nhà gỗ tại Henderson, Kentucky.

Cũng chính tại đó, Audubon học theo thổ dân ở đó mặc lên mình bộ trang phục cao bồi, đi đôi dày da đanh, dắt bên mình chiếc rìu. Audubon rất thích thú với lối ăn vận này và sau này, ông đã sử dụng nó để thu hút những người bảo trợ cho dự án bách khoa The Birds of America.

Sự kết hợp giữa hội họa và khoa học

Năm 1819, Audubon rơi vào cảnh phá sản sau những lần kinh doanh thất bát. Năm 31 tuổi, ông bị tống vào tù vì những khoản nợ chồng chất. Và để có thể trả hết những khoản nợ đó, Audubon đã phải đi vẽ chân dung thuê cho người dân trong vùng. Dù thực sự không phải một công việc lý tưởng, ít nhất nó cũng cho phép chàng họa sĩ phát triển sự nghiệp hội họa của mình.

Không lâu sau đó Audubon có một sự chuyển hướng bất ngờ, ông quyết định kết hợp niềm đam mê điểu cầm học với hội họa. Minh chứng là bức tranh phong cảnh và sản phẩm động vật được nhồi xác và trưng bày tại Bảo tàng Tự nhiên Lịch sử tại Trung tâm Bảo tàng Cincinnati. Không lâu sau đó, vào năm 1820, Audubon đưa ra quyết tâm đầy tham vọng rằng ông sẽ xuất bản một cuốn sách minh họa toàn bộ các loài chim tại Bắc Mỹ.

Để hiện thực hóa được dự án đầy tham vọng này, Audubon đã mở các lớp học vẽ và nhận vẽ tranh chân dung cho các nhà đỡ đầu giàu có. Vậy nhưng, khi mà Audubon đang chìm đắm trong dự án lớn lao mà ông vẽ nên, người vợ của ông, bà Lucy đã phải trở thành trụ cột chính của gia đình. Bà hết sức ủng hộ công việc của chồng mình. Tuy nhiên, vì tính chất của công việc, ông Audubon thường phải xa nhà hàng tháng liền để tìm kiếm những giống chim mới.

Quá trình nghiên cứu và vẽ minh họa cho từng loài chim có thể mất nhiều năm liền. Trên thực tế, kỹ thuật của Audubon được cải thiện từng ngày, ông thường phải đi đi về về trong suốt dự án để vẽ lại hoặc sửa lại những bản minh họa các loài chim trước đó để tạo sự đồng bộ và nhất quán cho cuốn bách khoa.

Tranh minh họa “American Flamingo” bởi John James Audubon, Trang 431 “The Birds of America” (Ảnh: National Audubon Society)

Sau năm sau, Audubon lên một chuyến tàu tới Anh Quốc, mang theo hơn 300 bản vẽ với quyết tâm tìm được nguồn hỗ trợ về tài chính cho dự án của mình – một dự án có thể ngốn rất nhiều tiền bởi mỗi trang vẽ minh họa 1 loại chim phải có kích cỡ thật và số lượng các loài chim được minh họa là rất nhiều.

Rất may, Audubon đã có một bước đi trước thời đại. Ông thăm thú khắp xứ sở sương mù và nhận các đơn hàng cho tập bách khoa The Birds of America – một nỗ lực gây vốn rất đáng khen ngợi ở thế kỷ 19. Tập tranh minh họa Audubon mang theo, kết hợp với kỹ năng kể chuyện phóng đại, khoa trương của ông đã giúp cho tập bách khoa The Birds of America cháy hàng trên khắp Anh Quốc, ngay từ khi nó còn chưa lên kệ. Kết hợp với các buổi triển lãm và đơn đặt hàng tranh dầu, Audubon đã gây vốn thành công cho dự án của mình với số tiền 2.68 tỷ VNĐ (tương đương với 46.4 tỷ VNĐ ngày nay). Những người đã đặt hàng sẽ nhận được 5 tập tranh minh họa mỗi 1 hoặc 2 tháng trong đợt xuất bản kéo dài từ năm 1827-1839.

Robert Havell, Jr. là người phụ trách sản xuất các bản in, trong khi 50 người khác phụ trách tô màu cho mỗi bản vẽ. Và mỗi bản vẽ có khổ lớn tới nỗi người ta ta gọi chúng là khổ voi.

Tranh minh họa “Carolina Parakeet” bởi John James Audubon, Trang 26 “The Birds of America” (Ảnh: National Audubon Society)

Ý nghĩa và tầm quan trọng của The Birds of America

Những bức minh họa các loài chim của Audubon vẫn còn giá trị cho tới ngày nay. Khác với những họa sĩ minh họa khác, Audubon không dựa vào những mẫu phẩm từ thi thể những con chim đã chết, ông trực tiếp đi thực địa và tận mắt quan sát các loài chim. Nhờ đó, hình ảnh mỗi loài chim xuất hiện trong tranh minh họa của ông trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết.

Điều này cũng đã mở ra một cái nhìn mới lạ về thế giới động vật hoang dã. Và quy mô tầm cỡ của cuốn bách khoa – bao gồm 435 tấm vẽ minh họa màu nước có kích cỡ thật vẫn còn gây ấn tượng mạnh cho tới ngày hôm nay.

Tuy vậy, đóng góp của Audubon không chỉ có ý nghĩa về mỹ thuật mà còn có ý nghĩa về khoa học. Cuốn bách khoa không chỉ minh họa 25 loài chim mới mà còn bao gồm năm loài chim đã bị tuyệt chủng, đó là: Vẹt Đuôi Dài Carolina, Bồ Câu Viễn Khách, Vịt Labrador, An Ca Lớn, Tympanuchus Cupido. Ngoài ra, còn có Rẽ Eskimo – một loài chim trong họ Scolopacidae vẫn chưa được tìm thấy kể từ năm 1963. Nhờ vào công trình tâm huyết của Audubon, chúng ta có thể có một cái nhìn toàn diện về thế giới chim muông ở thế kỷ 19.

Tranh minh họa “Barred Owl” bởi John James Audubon, Trang 46 “The Birds of America” (Ảnh: National Audubon Society)

Ngày nay, chỉ còn 120 tập tranh minh họa hoàn chỉnh của The Birds of America còn tồn tại. Chúng được ghi nhận là một trong những bản thảo đắt giá nhất mọi thời đại, giao động từ 5 triệu đô la tới đỉnh điểm là 13 triệu đô.

Hiện tại, Viện Bảo Tàng Vạn Vật Học tại trường đại học Drexel ở Philadelphia đang lưu giữ và trưng bày một bản thảo đầy đủ của cuốn The Birds of America. Cứ đến 15:15, các nhân viên sẽ lật một trang của cuốn bách khoa khổng lồ. Ngoài ra, quý khán giả cũng có thể chiêm ngưỡng cuốn bách khoa của Audubon thông qua những bản scan chất lượng cao tại ĐÂY.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện cuộc đời thú vị của John James Audubon, bạn đọc có thể tham khảo cuốn tiểu sử chi tiết của ông được chắp bút bởi nhà báo Richard Rhodes có tựa đề John James Audubon, The Making of an American.

NGUỒN: MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM