Nội bộTin tức

Hiện thực lập thể: Phong trào hội họa gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa tại Hoa Kỳ

By 8 Tháng Bảy, 2020 No Comments

Hiện thực lập thể (Precisionism) là phong trào hội họa hiện đại bản địa đầu tiên ở Hoa Kỳ và là một đóng góp ban đầu của người Mỹ cho sự phát triển của Chủ nghĩa Hiện đại.

Charles DeMuth, “Modern Conveniences,” 1921

Ảnh: https://en.wikipedia.org/wiki/en:Columbus_Museum_of_Art

Vào thập niên 20 của thế kỷ 20, chủ đề công nghiệp hóa xuất hiện phổ biến trong tác phẩm của một bộ phận họa sĩ cấp tiến trên thế giới và đặc biệt là tại Mỹ. Một số phong trào nghệ thuật nổi bật được lấy cảm hứng từ công cuộc công nghiệp hóa phải kể đến là Art Deco – một trường phái nghệ thuật và trang trí mang tính chiết trung được bắt đầu tại thành phố Paris vào thập niên 20 và phát triển rộng khắp trên toàn thế giới trong thập niên 30 hay Mexican Muralism – Tranh tường Mexico, phong trào hội họa ra đời ở Mexico vào thập niên 20, gắn liền với một mục tiêu chính trị-xã hội: Thống nhất đất nước hậu Cách mạng Mexico. Bên cạnh những trường phái nghệ thuật vay mượn từ châu Âu, tại Mỹ còn xuất hiện một phong trào nghệ thuật bản địa với nguồn cảm hứng chủ đạo từ quá trình công nghiệp hóa mang tên: Hiện thực Lập thể (Precisionism).

Mặc dù còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hội họa châu Âu, Hiện thực lập thể là phong trào hội họa hiện đại bản địa đầu tiên ở Mỹ và là một đóng góp ban đầu của người Mỹ cho sự phát triển của Chủ nghĩa Hiện đại.

Ảnh hưởng từ châu Âu

Robert Delaunay, “La ville no. 2,” 1910 (Photo: Wikimedia Commons Public Domain)

Có thể khẳng định, Hiện thực Lập thể là phong trào hội họa hiện đại bản địa đầu tiên ở Mỹ. Tuy nhiên, nó được định hình từ hai trào lưu hội họa châu Âu là: Lập thể và Vị lai.

Trường phái Lập thể được khởi xướng năm 1907 bởi hai danh họa Pablo Picasso và Georges Braque. Trong tác phẩm của họa sĩ lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích, và kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sĩ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà sẽ quan sát từ nhiều góc độ khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người thưởng thức khó cắt nghĩa được bức tranh. Áp dụng lối tiếp cận này, các họa sĩ hiện thực lập thể thường xuyên sử dụng những khối hình xiên, góc cạnh, và trừu tượng đan xen lẫn nhau trong tranh của mình.

Chủ nghĩa Vị lai hay trường phái vị lai là một phong trào hội họa bắt đầu vào thế kỷ 20. Trường phái vị lai vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc, tương tự như trường phái hiện thực lập thể. Chủ nghĩa vị lai được ra đời tại Ý vào năm 1909 qua Bản Tuyên Ngôn Chủ Nghĩa Vị Lai do nhà lập luận nghệ thuật Filippo Tommaso Marinetti viết và đăng trên tạp chí Le Figaro ngày 20 tháng 2. Các họa sĩ vị lai đã mượn kỹ thuật điểm mảng màu của trường phái Ấn tượng và trường phái Lập thể để chồng chéo hình thức, nhịp điệu, màu sắc và ánh sáng, qua đó thể hiện một “cảm giác động” và tính đồng thời của các trạng thái cảm xúc, cấu trúc phức tạp của thế giới. Có thể nói, chủ nghĩa vị lai là một trào lưu nghệ thuật gây nhiều tranh cãi. Nó ca tụng tình yêu chóng vánh, sự mãnh liệt hung bạo, máy móc, sự khinh miệt phụ nữ và coi chiến tranh như một cách thanh lọc thế giới. Cùng với chủ nghĩa siêu thực, trào lưu này được biết đến với nhiều sự xung đột bên trong.

Những lối tiếp cận khác nhau của Hiện thực lập thể

Robert Delaunay, “La ville no. 2,” 1910 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Đến năm 1920, cả trường phái Lập thể và Vị lai đều có một vị thế vững chắc toàn thế giới. Tuy không còn ở thời kỳ đỉnh điểm, các họa sĩ Hiện thực lập thể – cái tên được đặt bởi nhà sử học người Mỹ kiêm giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Thành phố New York đã nhanh chóng khởi xướng trào lưu hội họa hiện đại bản địa đầu tiên tại Mỹ – Hiện thực lập thể.

Trên thực tế, trào lưu hiện thực lập thể không phải một trào lưu hội họa chính thức hay nói theo một cách khác, nó chưa từng được khai sinh một cách chính thức mà chỉ đơn thuần được khởi xướng bởi một nhóm họa sĩ cùng chung hứng thú với văn minh đô thị trong một công cuộc công nghiệp hóa.

Những tòa nhà cao chọc trời, những công xưởng lớn tại đô thị, và máy móc hiện đại là một số chủ đề xuất hiện phổ biến trong các tác phẩm hiện thực lập thể. Thông thường, hội họa hiện thực lập thể sẽ đi theo hướng trừu tượng, kết hợp nhiều vật thể với nhau để tạo nên các hình khối mới.

Tiêu biểu là tác phẩm I Saw the Figure 5 in Gold bởi họa sĩ Charles Demuth phác họa một chiếc xe cứu hỏa lao vun vút trên phố sử dụng một nhóm hình khối đỏ và tập hợp những đường thẳng song song mà trên cùng là những con số 5 màu vàng bóng loáng.

Demuth, “I Saw the Figure 5 in Gold,”1928 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Một số họa sĩ khác lại có lối tiếp cận rõ ràng và bớt trừu tượng hơn. Nổi bật là họa sĩ Charles Sheeler với tác phẩm Conversation—Sky and Earth, khắc họa đập Hoover. Được vẽ theo một bức ảnh mẫu, tác phẩm thể hiện sự chú trọng của Sheeler tới chi tiết cũng như khả năng biến hóa những chủ đề tưởng như tầm thường trở thành một chủ đề đáng để vẽ trong hội họa.

“Hội họa là một tấm gương phản chiếu của thời đại, ” ông giải thích. “Ở thời đại này, tôn giáo đã không còn chiếm thế thượng phong. Xã hội hiện đại xoay quanh hơi thở đô thị và công cuộc công nghiệp hóa với sự ra đời của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, những tòa nhà chọc trời… Bởi vậy, hội họa cũng phải phản ánh những chuyển biến của thời đại.”

Charles Sheeler, “Conversation – Sky and Earth,” 1940 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Lối tiếp cận này chịu ảnh hưởng lớn từ nhiếp ảnh đương đại – qua loạt tác phẩm đột phá của Alfred Stieglitz và Paul Strand, hai nhiếp ảnh gia đã có công nâng tầm nhiếp ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật. Cụ thể hơn, các họa sĩ hiện thực lập thể đã học hỏi cách thức cắt cúp bức ảnh chuyên nghiệp của Stieglitz hay cách chọn chủ đề của Strand. “Thế giới của nghệ sĩ là vô tận,” ông chia sẻ. “Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, rất xa hoặc ngay trước mắt.”

Di sản

Georgia O’Keeffe, “Blue and Green Music,” 1921 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Phong trào Hiện thực lập thể tiếp tục phát triển tại Mỹ tới thập niên 40, khi mà Thế Chiến thứ II nổ ra và buộc người Mỹ phải suy lại lại về mặt trái của công nghiệp. Trong khi Demuth, Sheeler, và một số ít họa sĩ khác vẫn trung thành với phong trào này, một số khác bao gồm Georgia O’Keeffe, đã thay đổi lối tiếp cận của mình và chuyển hướng sang những chủ đề khác.

Mặc dù không thực sự phổ biến, hiện thực lập thể vẫn có những ảnh hưởng nhất định lên một số phong trào hội họa thành công khác. Ví dụ như hội họa Đại chúng xoay quanh cuộc sống thường ngày; trường phái Trừu tượng được xây dựng dựa vào lối tiếp cận chủ đề theo hướng tối giản của hiện thực lập thể; phong cách Tối giản với chủ đề công nghiệp, thể hiện qua những tác phẩm từ bê tông, cốt thép.

Mặc dù bị lấn lát khá nhiều bởi các trào lưu hội họa này, sự tồn tại của hiện thực lập thể là minh chứng rõ nhất cho tầm quan trọng và ý nghĩa lâu dài của nó.

NGUỒN:MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM