Kinh nghiệmThiết kếTin tức

Cái nhìn thoáng qua về lịch sử của chiếc quạt xếp Trung Quốc

By 24 Tháng Tám, 2020 No Comments

Nếu ai đã từng có cơ hội đặt chân đến Trung Quốc vào những ngày hè nắng nóng, chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với hình ảnh người người trên phố phe phẩy chiếc quạt xếp cầm tay để xua tan đi cái oi nóng của nắng hè. Song chiếc quạt giấy truyền thống của người Trung Quốc không chỉ là một công cụ hữu hiệu trong việc giải nóng, đây còn là một nét giá trị văn hóa quan trọng với lịch sử kéo dài tới 3000 năm của người Hoa.

Nhiều nhà sử học tin rằng, chiếc quạt xếp thực chất là một sản phẩm được thiết kế bởi người Nhật, lấy cảm hứng từ cánh dơi. Chiếc quạt sau đó được người Trung Quốc sử dụng rộng rãi trong đời sống và dần dần trở thành một phụ kiện thời trang không thể thiếu cho cả tầng lớp thượng lưu và tầng lớp lao động.

Lịch sử lâu đời của chiếc quạt cầm tay Trung Hoa

Quạt lông vũ Trung Quốc

Chiếc quạt Trung Hoa có lịch sử bắt đầu từ 3000 năm trước, vào khoảng giữa triều đại nhà Thương (năm 1600 – 1046 TCN) với tên gọi lúc bấy giờ là Shanhan. Tuy nhiên, chiếc “quạt” đầu tiên được sử sách ghi chép lại không giống như những chiếc quạt cầm tay nhỏ gọn mà chúng ta đang tưởng tượng trong đầu, những chiếc quạt lúc đó được thiết kế gắn liền với một cỗ xe ngựa để che nắng che mưa cho người sử dụng (tương tự như chiếc ô ngày nay). Sau đó, chiếc quạt Shanhan được cải biến trở thành một loại quạt cán dài mang tên Zhangshan, sử dụng các chất liệu quý như lông vũ và lụa cho phần mặt quạt. Loại quạt này chủ yếu được dùng bởi lính gác của hoàng đế với mục đích trang trí. Phải tới thời nhà Chu (khoảng 2000 năm về trước) thì chiếc quạt mới bắt đầu được sử dụng với mục đích làm mát. Lúc bấy giờ, chiếc quạt lông vũ được sử dụng phổ biến trong giới quý tộc thượng lưu nhờ giá trị mà nó mang lại. Nhờ đó, chiếc quạt trở thành một biểu tượng của quyền quý, giàu sang và sự uyên bác.

Chiếc quạt tròn sử dụng vải lụa, được trang trí với thư pháp và tranh vẽ

Tới thời nhà Hán (năm 206 TCN – năm 220 SCN), chiếc quạt lúc này mới được sử dụng rộng rãi bởi tầng lớp trung lưu do lúc này đã xuất hiện những chiếc quạt tre và quạt nan với giá thành sản xuất rẻ hơn. Những chiếc quạt này được ưa chuộng sử dụng cho tới tận thời nhà Tống (năm 960 – 1279). Tuy nhiên, cũng chính vào khoảng thời gian này, quạt lụa xuất hiện và trở thành một vật không thể thiếu của các cung tần mỹ nữ trong cung điện hoàng đế, mang tên tuánshàn (团扇). Ban đầu, hình dáng chủ yếu của quạt lụa là hình tròn, với mục đích mô phỏng vầng trăng tròn – biểu tượng của sắc đẹp và sự vẹn toàn. Sau đó, nhiều biến thể của quạt lụa xuất hiện với những hình dạng khác nhau như hình bầu dục, cánh hoa mai hay hoa hướng dương.

Theo miêu tả truyền thống, phần nan của những chiếc quạt lụa chủ yếu được làm từ tre nứa hoặc xương thú. Phần cán quạt thường được khắc nhiều họa tiết, hoa văn và phần mặt quạt sẽ được trang trí bằng nhiều bức tranh thêu hoặc tranh vẽ với thư pháp hoặc cảnh vật thiên nhiên. Những chiếc quạt này được sử dụng phổ biến bởi mọi tầng lớp người Trung Quốc trong hàng trăm năm tiếp theo, đồng thời được coi là một loại hình nghệ thuật quan trọng trong văn hóa Trung Hoa cho tới ngày nay.

Tuy nhiên, khi nhắc tới những chiếc quạt cầm tay ngày nay, người ta thường nghĩ đến những chiếc quạt xếp đầy tinh tế – một loại quạt được người Trung Quốc tiếp nhận từ Nhật Bản trong khoảng cuối triều đại nhà Tống và được sử dụng rộng rãi cho tới nay.

Nghệ thuật thủ công ẩn chứa trong những chiếc quạt xếp

Mặt của một chiếc quạt gấp

Nghề làm quạt thủ công ở Trung Quốc cổ đại chủ yếu được các hộ gia đình lưu truyền, phát triển với quy mô nhỏ. Họ thường mở một cửa hàng nhỏ ở phía trước ngôi nhà của mình và một xưởng gia công ở phía sau. Thành phố Hàng Châu là nơi chứng kiến ​​sự nở rộ đặc biệt mạnh mẽ của thứ nghề thủ công này vào thời Nam Tống (1127 – 1279).

So với các loại quạt khác của Trung Quốc, quạt xếp là một sản phẩm thủ công tinh tế hơn rất nhiều với cấu tạo bao gồm phần sườn quạt và mặt quạt, có thể dễ dàng mang đi được nhờ thiết kế có thể xếp gọn lại thành một thỏi. Một đầu các nan quạt được đính lại với nhau bằng một chiếc ghim, gọi là nhài quạt, đầu kia có thể xòe ra để tạo bề mặt đẩy gió.

Quạt xếp rất đa dạng về chất liệu sử dụng. Đối với sườn quạt, người thợ thủ công có thể sử dụng nhiều loại chất liệu như gỗ đàn hương; gỗ mun; mai rùa; ngà voi; xương thú hay phổ biến nhất là tre nứa. Quạt xếp cũng có nhiều kích cỡ, phân loại dựa trên số lượng sườn quạt, thông thường sẽ có 7, 9 hoặc 12 sườn, nhiều nhất có thể lên tới 16 hoặc 18 sườn.

Chất liệu phổ biến nhất sử dụng cho mặt quạt thường là giấy hoặc vải, đắt tiền hơn có thể sử dụng lụa cao cấp để làm mặt quạt. Mặt quạt cũng là nơi để các thợ thủ công hoặc nghệ sĩ trổ tài viết thư pháp hoặc thêm vào đó những bức tranh vẽ đầy nghệ thuật.

Ý nghĩa biểu tượng của hình vẽ trên chiếc quạt.


Kể từ triều nhà Tống trở đi, vẽ quạt đã trở thành một loại hình nghệ thuật riêng biệt, nổi bật trong giới thi sĩ và họa sĩ Trung Quốc cổ đại. Những chiếc quạt trong thời kì này đã trở thành một tấm phông hoàn hảo để các hào kiệt có thể mặc sức thể hiện khả năng sáng tạo qua những bức tranh tuyệt đẹp, hay sự uyên bác của mình thông qua những dòng thư pháp đầy uyển chuyển, từ đó biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Những chiếc quạt như vậy được gắn cho cái tên thời bấy giờ là quạt học giả và là tấm gương phản ánh chân thực địa vị xã hội của người sở hữu.

Trên chiếc quạt, người nghệ sĩ có thể gửi gắm nhiều ý nghĩa khác nhau tới người sử dụng thông qua các tác phẩm hội họa của mình. Ví dụ, hình ảnh chim muông cỏ cây thường mang ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp và sự tinh tế, duyên dáng, do đó khiến chúng được yêu thích sử dụng bởi các thiếu nữ. Các học giả lại thường ưa chuộng những chiếc quạt có ghi những câu đối hoặc câu truyện lịch sử bằng thư pháp, qua đó thể hiện kiến thức uyên bác và tri thức. Các sinh vật huyền thoại có trong truyền thuyết như long, ly, quy, phụng cũng thường được xuất hiện trên những chiếc quạt và mang nhiều giá trị ý nghĩa như sự phồn vinh, phú quý, may mắn và hạnh phúc.

Ngày nay, những triết lý và ý nghĩa trên dường như đã mai một đi phần nào tầm quan trọng và giá trị của chúng như trước kia, song những chiếc quạt với nhiều thông điệp, ý nghĩa nhất định, mang tính biểu trưng cho một giá trị văn hóa vẫn thường được săn đón bởi nhiều người, đặc biệt là khách du lịch khi đặt chân tới Trung Quốc.

Chiếc quạt xếp trong thời hiện đại

Chiếc quạt xếp làm từ vàng lá

Ra đời từ hơn 3000 năm trước vào thời nhà Thương, cho tới nay, chiếc quạt đã trải qua nhiều lần thay đổi và cải tiến với hơn 500 loại quạt tại Trung Quốc, với sản phẩm tiến hóa cuối cùng là chiếc quạt xếp – thứ đã vượt qua mọi thách thức của thời gian để trở thành đồ vật không thể thiếu trong văn hóa Trung Quốc và trở nên phổ biến tại khắp nơi trên thế giới. Những chiếc quạt cổ với nhiều giá trị lịch sử có thể được đem ra đấu giá với số tiền cực lớn. Đơn cử có thể kể đến chiếc quạt xếp với dòng thư pháp cổ được vẽ bởi Zhang Daqian – một họa sĩ Trung Quốc nổi danh ở thế kỉ XX đã được đem ra đấu giá và bán với giá 252,000$ Hồng Kông.

NGUỒN:MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM