Nội bộTin tức

Hội họa của Raoul Dufy đã phản ánh xã hội Pháp ở thế kỷ 20 như thế nào?

By 23 Tháng Sáu, 2020 No Comments

Raoul Dufy là một trong những gương mặt nổi bật nhất của hội họa Pháp ở đầu thế kỷ 20. Ông là một nghệ sĩ đa tài, sáng tạo, ưa khám phá, và có tư duy tân tiến. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều trào lưu hội họa hiện đại như trường phái Ấn tượng và trường phái Dã thú. Ngoài ra, Dufy còn có một niềm đam mê lớn với thời trang, không chỉ dừng ở đó, ông đã có những đóng góp đáng kể trong mảng thời trang.

Raoul Dufy, “Tĩnh vật,” 1928 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Vào thập niên 70 của thế kỷ 19, các họa sĩ tân tiến tại Pháp đã mở màn cho hội họa hiện đại với trường phái Ấn tượng. Tới thế kỷ 20, một số phong trào hội họa hiện đại đã được lan tỏa trên khắp nước Pháp, bao gồm trường phái Tân nghệ thuật (Art Nouveau) và trường phái Hậu Ấn tượng. Đến năm 1905, trường phái Dã thú cũng đã nhen nhóm phát triển, đưa tên tuổi của những họa sĩ yêu thích màu sắc Raoul Dufy lên bản đồ hội họa thế giới.

Self-Portrait, 1901 – Raoul Dufy – WikiArt.org

Dufy mới bắt đầu sự nghiệp hội họa chuyên nghiệp trong vai trò một họa sĩ màu nước, 50 năm trôi qua, người họa sĩ này luôn trung thành với những tác phẩm rực rỡ sắc màu. Những hiểu biết về thiết kế, những khám phá về nghệ thuật thiết kế, và cả những trải nghiệm với tranh tường đã mang đến cho người nghệ sĩ một nguồn cảm hứng lớn, gần gũi với ông, đó chính là: Không khí vui tươi, phấn khởi của xã hội Pháp ở thế kỷ 20.

Chặng đường đến với Trường phái Ấn tượng

Raoul Dufy, “Cảng Le Havre,” 1906 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Raoul Dufy sinh ngày 03 tháng Sáu năm 1877 tại Le Havre, một thành phố cảng tại Pháp. Thời niên thiếu, Dufy đã thể hiện một sự hứng thú với hội họa. Vậy là, năm 18 tuổi ông đăng ký tham gia lớp học vẽ vào buổi tối được giảng dạy bởi họa sĩ người Pháp Charles Lhuillier tại École des Beaux-Arts (Trường học Mỹ thuật tại Le Havre). Dufy rất ngưỡng mộ người thầy Lhuillier, người đã từng theo học họa sĩ tranh chân dung Tân cổ điển nổi tiếng Jean-Auguste-Dominique Ingres, cả Dufy và những học trò khác theo học Lhuillier đều hết sức tôn trọng, xen lẫn ngưỡng mộ người thầy của mình bởi ông là một họa sĩ thực thụ, một nhà thiết kế đại tài.

Trong suốt thời gian theo học tại École des Beaux-Arts, Dufy được truyền cảm hứng chủ yếu từ trường phái Ấn tượng. Trường phái Ấn tượng hình thành từ Paris hiện đại. Đó là chất xúc tác. là xuất phát điểm, là chủ đề của trường phái Ấn tượng. Trong thập niên 50 của thế kỷ 19, Paris vẫn còn là một thành phố già nua, cũ kỹ với những con đường quanh co, nhỏ hẹp, thiếu vệ sinh và thiếu cả ánh sáng. Tuy nhiên, đến khoảng thập niên 70 của thế 19 – cũng chính là thời hoàng kim của trường phái Ấn tượng, thành phố già nua này đã bị phá bỏ và được khoác lên mình một tấm áo mới vô cùng đẹp đẽ với những đại lộ dài, những dãy tiệm cà phê, nhà hàng, và rạp hát. Vậy là, từ một thành phố già nua, cũ kỹ Paris lột xác ngoạn mục để trở thành thủ đô của ánh sáng. Và tất cả những bước chuyển mình, sự thay đổi tới chóng mặt đó của Paris đã được ghi chép lại bởi các họa sĩ Ấn tượng.

Raoul Dufy, “Khung cảnh thành phố Paris nhìn từ Montmartre,” 1902 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Những bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ có thể nhìn thấy được, với màu sắc đa dạng, và nhấn mạnh đến sự thay đổi cùng chất lượng của độ sáng trong tranh. Điểm đặc biệt của trường phái này là: Bức tranh được vẽ rất nhanh cốt để ghi lại tổng quan một khoảnh khắc ngắn ngủi lướt qua ngoài đời thực. Tiếp sau là thể hiện một cái nhìn mới, tân tiến, bớt phán xét.

Vậy là, Dufy chủ yếu sử dụng màu nước và tìm đến vùng đất của người Norman hay biển cả để tìm nguồn cảm hứng. “Thật đáng buồn là anh chàng đó lại sống xa biển,” Dufy chia sẻ. “Người họa sĩ thì luôn cần một loại ánh sáng nhất định, một đôi mắt có khả năng tinh lọc, gội rửa những gì anh ta chứng kiến trong cuộc sống.”

Tuy vậy, Dufy lại chuyển tới vào đất liền sau khi được trao cho một suất học bổng tại École nationale supérieure des Beaux-Arts (Trường học Mỹ thuật Quốc gia) tại thủ đô ánh sáng Paris vào năm 1990. Sau đó, Dufy đã bước đầu gây dựng được một sự nghiệp thành công tại Paris. Một năm sau, tác phẩm của ông được trưng bày tại buổi Triển lãm dành cho các họa sĩ người Pháp; đến năm 1902, nó tiếp tục được trưng bày tại phòng trưng bày của nhà môi giới cho những tác phẩm nghệ thuật tiên phong nổi tiếng Berthe Weill và 1 năm sau đó là triển lãm Salon des Indépendants (“Triển lãm của những họa sĩ độc lập”) được tổ chức thường niên bởi nhóm họa sĩ bao gồm Paul Cézanne, Paul Gauguin, Henri de Toulouse-Lautrec, cùng một số họa sĩ hiện đại khác.

Là một trong những gương mặt xuất sắc nhất tại Paris đầu thế kỷ 20, không có gì đáng ngạc nhiên khi tới năm 1905, Dufy quyết định chinh phục một trào lưu hội họa mới lạ và thú vị tại Pháp mang tên: Dã thú.

Trường phái Dã Thú (Fauvism)

Raoul Dufy, “Boats at Martigues,” 1908 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trường phái Dã thú được tiên phỏng bởi 2 họa sĩ Pháp là André Derain và Henri Matisse. Ấn tượng với tác phẩm Luxe, Calme et Volupté của danh họa Matisse, Dufy quyết định gia nhập hội Les Fauves, khám phá một phong cách hội họa với những đặc điểm khác biệt: nét vẽ táo bạo, hoang dã; giản lược chi tiết, tối giản hóa hình thái; tập trung vào màu sắc, ưa chuộng những gam màu sáng và táo bạo – ví dụ như màu xanh nước biển. “Xanh nước biển là gam màu duy nhất luôn duy trì được sắc xanh của nó ở mọi tông màu khác nhau,” Dufy chia sẻ. “Trong khi màu vàng sẽ dần chuyển sang màu đen ở những tông đậm hay màu đỏ sẽ dần chuyển sang nâu ở những tông đậm.”

Raoul Dufy, “Thợ săn (Thiết kế trên chất liệu vải),” 1919 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Từ năm 1905, Dufy bao phủ những bức vẽ của mình với màu xanh dầu. Chấm phá bằng những khối vàng tươi, đỏ đậm, xanh lá cây, những tông màu xanh ngát tô điểm cho khung cảnh thủ đô ánh sáng ở thế kỷ 20, đối lập với vẻ mờ ảo của vùng biển Địa Trung Hải, bầu trời Paris hiện lên trong vắt. Dù trong trường hợp nào, Dufy, tương tự như những đồng nghiệp Dã thú khác đều sử dụng màu sắc như một phương tiện để truyền tải bản thân. Nhà thiết kế thời trang Paul Poiret rất ngưỡng mộ tài năng của Dufy và đã đề nghị hợp tác với ông. Poiret thậm chí còn thành lập một xưởng dệt để hợp tác với Dufy về mảng thiết kế thời trong. Lần hợp tác này, tuy ngắn, nhưng cũng đã thu hút sự quan tâm của Dufy đối với ngành công nghiệp. Vì vậy, vào năm 1912, ông đã ký hợp đồng với Bianchini-Férier và lập nên trụ sở tại Lyon để cung cấp các thiết kế cho vải của họ.

Vào năm 1910, Dufy chuyển hướng sang những gam màu trầm hơn sau khi được truyền cảm hứng từ những tác phẩm Hậu Ấn tượng của danh họa Paul Cézanne. Tuy nhiên, tới cuối thập kỷ, ông lại quay trở lại với trường phái Dã thú, phát triển một phong cách riêng xuyên suốt sự nghiệp.

Giai đoạn sau và di sản để lại

Raoul Dufy, “Villerville,” 1935 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Kể từ năm 1920, hội họa của Dufy trở nên sặc sỡ hơn bao giờ hết. Tương tự các tác phẩm Dã thú ở giai đoạn trước, các tác phẩm ở thời kỳ này của ông tiếp tục ghi lại cảnh quan và hoạt động giải trí tại Pháp vào thế kỷ 20. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở cách người họa sĩ xử lý màu sắc. Thông qua những mảng màu nước hay sơn dầu mỏng nhưng rực rỡ, những bức họa được thực hiện trong giai đoạn này vừa hiện đại, vừa mang tính trang trí cao.

Dufy thử nghiệm khá nhiều chất liệu trong giai đoạn cuối của sự nghiệp. Lối tiếp cận này được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm gốm sứ kỳ lạ, tranh khắc gỗ táo bạo, những tấm thảm ấn tượng, hay thậm trí là những tác phẩm tranh tường đồ sộ. Tiêu biểu là tác phẩm tranh tường rộng 6.500 Foot vuông mang tên La Fée Électricité.

Raoul Dufy, tác phẩm “La Fée Electricité” tại Bảo tàng Musée d’Art moderne de la ville de Paris, Palais de Tokyo, 1937 (Ảnh: Flickr)

Đáng tiếc, đến năm 1950, căn bệnh thấp khớp gây nhiều trở ngại cho công việc của Dufy. Rất may một đợt điều trị thử nghiệm đã giúp ông hồi phục để tiếp tục sự nghiệp trong một vài năm sau đó (Dufy đã đạt giải nhất Cuộc thi Hội họa Thế giới tại Venice Biennale lần thứ 26 vào năm 1952 trước khi ông qua đời năm 1953).

Đã gần 70 năm trôi qua nhưng Raoul Dufy vẫn là một họa sĩ hiện đại được ngưỡng mộ và đánh giá cao. Mặc dù nổi tiếng nhất trong vai trò là một họa sĩ, Dufy cũng đã có một vị thế nhất định trong giới thời trang, nhờ buổi các buổi triển lãm được tổ chức gần đây như: Triển lãm Poiret: Ông vua thời trang (2007) diễn ra tại bảo tàng Metropolitan Museum of Art tại thành phố New York hay triển lãm Raoul Dufy: Hội họa và Thời trang (2019) tại Triển lãm Nghệ thuật Panasonic Shiodome Museum of Art tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

NGUỒN: MYMODERNMET/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM